Đồng lòng vì sự bứt phá của nền kinh tế
Cả Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rất quyết tâm đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà cho sự đột phá của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Để thúc đẩy tăng trưởng, cần có cả các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn. Ảnh: Đức Thanh
Vì cả nước, địa phương phấn đấu tăng trưởng cao
Một sự đồng thuận và quyết tâm nhìn thấy rõ từ không chỉ Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, mà cả các bộ, ngành, địa phương trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, như nghị quyết mới đây của Quốc hội.
“Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói như vậy tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Không bàn lùi, nên khi báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đầu tàu như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… tập trung nghiên cứu, xác định rõ các động lực tăng trưởng. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết theo từng tháng, từng quý, từng ngành, lĩnh vực và chương trình hành động để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện cả nước có 12 địa phương có quy mô GRDP lớn, đóng góp tổng cộng 57,3% quy mô kinh tế của cả nước trong năm 2024. Trong đó, TP.HCM chiếm 15,4% GDP cả nước, Hà Nội chiếm 12,3%. Con số này ở Bình Dương là 4,5%; Đồng Nai 4,3%; Hải Phòng 3,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu 3,6%; Quảng Ninh 3%; Thanh Hóa 2,75%; Bắc Ninh 2%; Nghệ An 1,9%; Hải Dương 1,84% và Bắc Giang là 1,8%.
Đáp lời kêu gọi của Thủ tướng, nhiều địa phương cam kết nỗ lực để đạt được nhiệm vụ Chính phủ giao. Thậm chí, không chỉ Quảng Ninh, mà có thêm cả Hải Phòng quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn chỉ tiêu được giao. “Năm 2025, Hải Phòng được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5%. Chúng tôi cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nói.
Theo ông Tùng, tăng trưởng GRDP của Hải Phòng dự báo đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý I thường chỉ đạt tăng trưởng khoảng 10%. Đó cũng là lý do khiến Hải Phòng tin tưởng rằng, tăng trưởng GRDP của Thành phố sẽ vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
“Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng 14%/năm. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030”, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết.
Trong khi đó, theo khẳng định của tân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, dù Chính phủ giao chỉ tiêu cho TP.HCM là tăng trưởng 8%, nhưng vì cả nước, Thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% trong năm 2025. “Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, nhưng không thể không làm”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Khơi nguồn lực, gỡ khó để thúc tăng trưởng
Quyết tâm là rất lớn, nhưng quan trọng là, phải làm sao để nền kinh tế có thể tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, tạo thế và lực cho sự bứt tốc, cho sự tăng trưởng 2 con số của nền kinh tế trong giai đoạn tới?
Đã có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề xuất tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Theo đó, tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án là một trong những giải pháp hàng đầu.
Tổng hợp sơ bộ từ Ban Chỉ đạo 1568 của Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện có 1.056 dự án đang gặp vướng mắc; trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị phương án giải quyết cho 309 dự án, gồm 74 dự án đầu tư công. “Nếu tháo gỡ được, sẽ giải phóng ngay 58.000 tỷ đồng cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho rằng, cần phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 1568 để sớm khơi thông nguồn lực này cho doanh nghiệp, nền kinh tế, đóng góp ngay cho tăng trưởng năm 2025 và thời gian tới; củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, phải tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có việc xây dựng, trình Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển kinh tế tư nhân (tương tự Nghị quyết số 57-NQ/TW), với quan điểm là kinh tế tư nhân phải là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Các giải pháp như phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW; điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát (4,5-5%); nghiên cứu tận dụng dư địa bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài để bổ sung nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm… cũng được nhấn mạnh. Tương tự là thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư của khu vực nước ngoài…; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính khu vực và quốc tế…
“Cần đôn đốc để thúc đẩy tiến độ không chỉ các dự án đầu tư công, mà cả các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Lâu nay, Chính phủ đã đôn đốc rất nhiều cho các dự án đầu tư công, nhưng đôn đốc việc triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách cũng cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nói và bày tỏ sự đồng tình với việc cần xây dựng các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và phát triển doanh nghiệp dân tộc.
“Muốn phát triển, tăng trưởng hai con số, bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, phải có sự tham gia của kinh tế tư nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Bùi Thế Duy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, hướng tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, động lực nằm ở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, theo như Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Muốn tăng trưởng bền vững, yếu tố Năng suất tổng hợp (TFP) rất quan trọng, phải đóng góp trên 50% trong tăng trưởng kinh tế. Vì thế, chúng tôi đề nghị các địa phương đưa mục tiêu TFP đóng góp vào tăng trưởng GRDP 50-55%”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Để thúc đẩy tăng trưởng, rõ ràng, cần có cả các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn lo tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, giải ngân đầu tư công… Dài hạn lo đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Dù là giải pháp nào, cũng cần sự nỗ lực trong triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay, người đứng đầu Chính phủ nói rằng, điều quan trọng là chúng ta có khả năng để làm, có tự tin để làm và có dám làm không. Theo Thủ tướng, trong tình hình mới, yêu cầu phải có cách ứng xử mới, cách làm mới, đột phá hơn, quyết liệt hơn, các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đấy…
“Chúng ta có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời.
- Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TP.HCM sẽ đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả. Thành phố cũng sẽ tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc... để khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế; đồng thời huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư, và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Về các giải pháp lâu dài, TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn lại được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho Thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi cũng phấn đấu năm 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là những dự án đặc thù cho TP.HCM.
Trước hết là phát huy các động lực truyền thống.
- Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Để tăng trưởng 8% trở lên, thì quy mô kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024, chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Thực hiện mục tiêu này, Hà Nội xác định, trước hết là khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống, trong đó có đầu tư công. Năm nay, Hà Nội phấn đấu giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn, đồng thời tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; vốn đầu tư nước ngoài khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp với vốn đăng ký trên 300.000 tỷ đồng… Hà Nội cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để tăng doanh thu du lịch trên 13%.
Ngoài ra, Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện, tạo đột phá trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu năm nay kinh tế số đạt trên 20 tỷ USD.
Ban hành kế hoạch, kịch bản tăng trưởng đến từng quý.
- Ông Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang
Năm nay, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bắc Giang là tăng trưởng 13,6%. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Giang đã ban hành kế hoạch, kịch bản tăng trưởng đến từng quý, giao 105 nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với thời gian và người chịu trách nhiệm.
Chúng tôi cũng xác định, trong giai đoạn 2026-2030, phải đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm, đứng thứ 3 cả nước. Để thực hiện các mục tiêu này, Bắc Giang xác định đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đây chính là yếu tố then chốt, là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tạo động lực phát triển mới, cũng như tạo đột phá về tăng trưởng.
Hiện nay, tỉnh đã sẵn sàng mặt bằng và hệ sinh thái công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-long-vi-su-but-pha-cua-nen-kinh-te-d248531.html