Doanh nghiệp FDI tin tưởng sức bền của kinh tế Việt Nam
Bên cạnh các dự án đầu tư mới, vốn đăng ký điều chỉnh cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột phá khi có 401 dự án đã được cấp phép từ trước đó đăng ký điều chỉnh tăng thêm, với tổng giá trị 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng sức bền của nền kinh tế và thể hiện cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Đồ họa: Văn Chung
FDI vào Việt Nam quý I đạt gần 11 tỷ USD
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đã đạt 10,98 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI này bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư mới
Xét về quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư mới với 1,32 tỷ USD, chiếm 30,5%. Tiếp theo là Trung Quốc: 1,23 tỷ USD, chiếm 28,5%; Đài Loan (Trung Quốc): 368,1 triệu USD, chiếm 8,5%; Nhật Bản: 341,8 triệu USD, chiếm 7,9%; Hồng Kông (Trung Quốc): 310,2 triệu USD, chiếm 7,2%...
Trong quý I/2025, có 850 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số lượng dự án. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới đạt 2,62 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 1,13 tỷ USD, chiếm 26,1%. Các ngành còn lại thu hút 581,5 triệu USD, chiếm 13,4%.
Bên cạnh các dự án mới, vốn đăng ký điều chỉnh cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột phá khi có 401 dự án đã được cấp phép từ trước đó đăng ký điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư, với tổng giá trị 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2025, có 810 lượt góp vốn với tổng giá trị 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ, vốn FDI thực hiện ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn FDI thực hiện cao nhất trong quý I/2025 của 5 năm trở lại đây.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn, mua cổ phần cũng đều tăng lên, khẳng định Việt Nam tiếp tục là thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng các dự án hiện hữu.
Nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam
Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý I/2025 của EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu) Việt Nam mới công bố gần đây phản ánh bức tranh lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Chỉ số BCI quý I ghi nhận ở mức 64,6 điểm, cho thấy một sự ổn định tương đối về niềm tin kinh doanh của cộng đồng nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.
Dù có giảm nhẹ so với quý I/2024, vẫn có tới 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, thể hiện cam kết dài hạn của các doanh nghiệp tại thị trường này. Tại thời điểm khảo sát (từ 10 - 27/3), tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam cùng với dự báo GDP tích cực (được 37% số doanh nghiệp nhắc đến) đã gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao cơ hội thương mại và đầu tư, cũng như sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng và du lịch như những tín hiệu tích cực.
Các doanh nghiệp thuộc EuroCham cũng chỉ ra một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính, nhằm giảm thiểu những rào cản quan liêu; nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật. Những ưu tiên này cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu mong đợi những cải thiện rõ ràng hơn để củng cố niềm tin dài hạn của họ.
Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cải cách nội bộ và đối mặt với những thách thức bên ngoài, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin thận trọng vào triển vọng phát triển của quốc gia. Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert nhận định: “Sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ dựa vào những con số tăng trưởng, mà còn ở khả năng thích ứng, cả về mặt cơ cấu nội bộ lẫn chiến lược đối ngoại, trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Những thách thức mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi sự gắn kết để biến khó khăn thành cơ hội”.
EuroCham cho biết, các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế, nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu.
“Trước những biến động mới của cơn bão thuế quan, EuroCham cam kết đảm bảo tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu không chỉ được lắng nghe mà còn được hỗ trợ để vượt qua những chướng ngại này. Không chỉ dừng lại ở vận động chính sách, chúng tôi còn hướng đến việc thúc đẩy các giải pháp – đồng hành cùng các nhà hoạch định chính sách để xây dựng một môi trường kinh doanh vừa cạnh tranh vừa bền vững. Con đường phía trước có thể đòi hỏi sự linh hoạt, nhưng một điều chắc chắn vẫn giữ nguyên: Việt Nam và châu Âu cùng theo đuổi mục tiêu chung về khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng lâu dài”- ông Bruno Jaspaert khẳng định.
ÔNG ADAM SITKOFF = GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH HIỆP HỘI THƯƠNG MẠI HOA KỲ TẠI VIỆT NAM: Thuế quan sẽ không ngăn chặn FDI tiếp tục vào Việt Nam
Thuế quan có thể sẽ gây gián đoạn cho thương mại toàn cầu, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Các công ty không thể đơn giản cứ muốn là chuyển hướng chuỗi cung ứng từ nước này sang nước khác. Điều này là tốn kém, đầy thách thức và thành thật mà nói, không ai thực sự muốn làm điều đó trừ khi họ phải làm.
Các công ty Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam trong một thời gian khá dài và họ là thành viên tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết lâu dài tại thị trường Việt Nam, với việc kinh doanh tại đây.
Việt Nam nằm trên bản đồ đầu tư của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ và họ biết điều gì là tốt ở đây. Việt Nam thực sự có một tương lai tươi sáng, tôi hoàn toàn tin tưởng điều đó và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ là một phần lớn trong tương lai tươi sáng đó. Kỳ vọng của tôi về triển vọng của quan hệ kinh tế - thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam trong thời gian tới thực sự khá tích cực.
Luyện Vũ (ghi)
ÔNG NGUYỄN BÁ HÙNG - CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) TẠI VIỆT NAM: Nhà đầu tư luôn lập kế hoạch và ra quyết định dựa trên triển vọng dài hạn
Tôi cho rằng, còn đang quá sớm để đánh giá được tác động của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với dòng vốn FDI tại Việt Nam. Bởi vì ngay bản thân các biện pháp thuế quan của chính quyền Hoa Kỳ cũng chưa định hình được ngưỡng cuối cùng là bao nhiêu. Giả sử đã đạt được ngưỡng cuối cùng rồi thì sẽ áp dụng trong thời gian bao lâu, khi nhiệm kỳ của ông Trump là đến đầu năm 2029.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài luôn luôn lập kế hoạch và ra quyết định đầu tư dựa trên triển vọng dài hạn. Đồng thời, đầu tư là cam kết lâu dài. Bên cạnh đó, việc giữ chân và thu hút dòng vốn FDI liên quan tới khả năng cạnh tranh tương đối của một quốc gia, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, không chỉ là thuế quan. Hiện vẫn còn quá sớm để các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định mới.
Thảo Miên (ghi)