Doanh nghiệp FDI và trong nước thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh.
Sáng 19/3/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh”.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ đến tất cả các nền kinh tế. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ và khá toàn diện.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế tương đương 430 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.423 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2%; trong đó vốn FDI giải ngân ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 36,6 tỷ USD tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, tăng 32,1% so với năm trước.
“Những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), là minh chứng mạnh mẽ khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”- Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đã xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững. Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.
Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh.
Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG,…
Với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng tăng trưởng xanh chính là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh” cho Hội nghị lần này đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ cũng như khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI trong triển khai tăng trưởng xanh. Đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh trên nguyên tắc bao trùm, bình đẳng, đồng lợi ích, nâng cao năng lực chống chịu và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam có thể thiệt hại 12–14,5% GDP vào năm 2050 vì biến đổi khí hậu
Ông Nitin Kapoor - Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam nhấn mạnh: kể từ sau đại dịch, các doanh nghiệp đang tăng tốc và Việt Nam được công nhận là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay. “Chủ đề tăng trưởng xanh là về việc đảm bảo “sức khỏe” của hành tinh, hạnh phúc của cộng đồng, đồng thời xây dựng các doanh nghiệp bền vững” - ông Nitin Kapoor nhấn mạnh.
Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam Thomas Jacobs cho rằng, sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc thu hút FDI như một phần của chiến lược tăng trưởng xanh là vấn đề cực kỳ quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn và bền vững hơn…
Báo cáo phân tích môi trường gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu. Xa hơn nữa, theo tính toán của WB, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12–14,5% GDP vào năm 2050.
“Những báo cáo nào gợi lên nhiều suy nghĩ cho tương lai sắp tới của Việt Nam” - ông Thomas nhận định.
Để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon cho nền kinh tế.
Và nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho những nỗ lực này có thể vào khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hoặc tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, một nửa trong số đó sẽ đến từ khu vực tư nhân.
Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng một vai trò quan trọng, bằng cách đưa các công nghệ mới, ý tưởng và thực tiễn mới cũng như vốn nước ngoài vào để hỗ trợ các chiến lược mới hướng tới xu hướng xanh.
Tại Diễn đàn, các diễn giả có chung nhận định, Việt Nam về đối ngoại là đã nâng tầm đối ngoại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với Trung Quốc… Đây đều là những cường quốc hàng đầu thế giới, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho nhà đầu tư quốc tế.