Doanh nghiệp gặp khó trong xác định mã sản phẩm

Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực từ ngày 1.2.2022. Trong những ngày đầu triển khai, doanh nghiệp gặp khó khăn khi xác định mã sản phẩm để hưởng thuế suất 8% và có trường hợp chưa áp dụng giảm thuế VAT theo quy định.

Chính sách giảm 2% thuế VAT có hiệu lực từ 1.2 - 31.12.2022

Chính sách giảm 2% thuế VAT có hiệu lực từ 1.2 - 31.12.2022

Nguồn: ITN

Kế toán viên bối rối

Ngày 28.1, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15) quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm… Hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2022 đến hết ngày 31.12.2022.

Nghị định cũng quy định việc thụ hưởng chính sách này đến được với người tiêu dùng. Khi bán hàng hóa được giảm thuế, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn với thuế suất 8% và giao cho người mua. Trường hợp hóa đơn không theo mức thuế suất được giảm, thì 2 bên phải điều chỉnh hóa đơn theo đúng quy định. Nghị định cũng quy định đối với hàng hóa được giảm thuế, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn riêng để giao cho người tiêu dùng theo đúng quy định.

Trong những ngày đầu thực hiện, kế toán của một số công ty có số lượng hàng hóa xuất hóa đơn lớn cho biết đang gặp khó trong việc xác định mã sản phẩm để áp dụng chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT.

Ví dụ, Nghị quyết 43 xác định sản phẩm hóa chất không được giảm thuế VAT; còn tại Phụ lục I của Nghị định 15 liệt kê một số sản phẩm trong ngành hóa chất không được giảm thuế VAT. Vì vậy, bản thân kế toán của doanh nghiệp kinh doanh hóa chất cũng băn khoăn không biết áp dụng ra sao. Trong khi đó, đối tác lại muốn được giảm thuế cho những sản phẩm hóa chất không nằm trong phụ lục I của Nghị định 15. Điều này khiến doanh nghiệp và đối tác mất nhiều thời gian giải thích và chưa tìm được tiếng nói thống nhất.

Kế toán một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm cao su cho biết cũng gặp khó khăn khi xác định mã sản phẩm áp dụng giảm thuế. Lý do là khi xuất hóa đơn ở phía Nam thì được áp mức thuế 8%, nhưng nếu mỗi khu vực có cách xác định mã sản phẩm khác nhau thì sẽ ra tình trạng nơi được áp thuế 8%, nơi giữ nguyên 10%, gây ra nhiều lúng túng cho kế toán viên.

Theo phản ánh của nhiều kế toán doanh nghiệp, khâu tra cứu đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ được áp thuế VAT 8% mất rất nhiều thời gian và công sức vì nhiều doanh nghiệp kinh doanh có hàng trăm, hàng nghìn mã hàng hóa. Bên cạnh đó, việc bóc tách, rà soát để xác định các sản phẩm được giảm VAT trong cùng một ngành nghề kinh doanh khá phức tạp; ví dụ hàng hóa nằm trong danh mục vẫn chịu thuế VAT 10% nhưng dịch vụ vận chuyển đi kèm được giảm thuế 8% thì xuất hóa đơn như thế nào? Vì vậy, doanh nghiệp mong Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp áp dụng thuận tiện và thống nhất.

Có nơi chưa giảm thuế

Bên cạnh khó khăn kể trên còn xuất hiện tình trạng chưa áp dụng chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT. Tổng cục Thuế cho biết, qua kiểm tra, nắm bắt thông tin, vẫn còn một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chưa xuất hóa đơn VAT áp dụng mức thuế suất 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế theo quy định.

Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách của Tổng cục Thuế cho biết, do thời gian ban hành Nghị định 15 sát với thời gian nghỉ lễ dịp Tết Nguyên đán dẫn tới nội dung của Nghị định chưa được người dân, doanh nghiệp tiếp nhận một cách đầy đủ. Vì vậy, Tổng cục Thuế đã có công điện yêu cầu Cục trưởng Cục thuế chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định giảm 2% thuế VAT.

Cũng theo bà Hiền, mục đích lớn nhất của Nghị định 15 là giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Trong quá trình triển khai, trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, cơ quan thuế các cấp sẽ kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Trường hợp phát hiện việc lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán của các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT, cơ quan thuế sẽ tham mưu các biện pháp xử lý với cơ quan có thẩm quyền.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep-gap-kho-trong-xac-dinh-ma-san-pham-oqhotd6szu-79826