Doanh nghiệp giữ chân nhân tài: Thách thức không nhỏ

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn giữ nhân tài để có thể phát triển hoạt động kinh doanh, giảm tối đa tổn thất khi nhân viên nghỉ việc.

Đội ngũ nhân viên giỏi, cống hiến hết mình góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Đội ngũ nhân viên giỏi, cống hiến hết mình góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động đầy cạnh tranh, các doanh nghiệp không khỏi “đau đầu” khi liên tục phải đối mặt với tình trạng nhân sự “nhảy việc”. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi lãnh đạo cần có chiến lược, tầm nhìn để thúc đẩy nhân viên tiếp tục nỗ lực cống hiến vì lợi ích của công ty.

“Bài toán” hóc búa

Bị cấp trên, đồng nghiệp chèn ép là lí do khiến chị Lê Thị Thùy Trang (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định nghỉ việc dù đã gắn bó với doanh nghiệp hơn 1 năm. Chị Thùy Trang tâm sự, dù mức lương mỗi tháng 14 triệu đồng (là mơ ước của nhiều bạn trẻ mới ra trường), song chị vẫn lựa chọn nghỉ việc vì môi trường làm việc thiếu lành mạnh.

“Ngoài chế độ lương cứng như đã thỏa thuận, chúng tôi còn được thưởng “hoa hồng” theo khối lượng sản phẩm. Dựa vào nỗ lực của bản thân, nhiều tháng liền tôi đứng đầu về doanh số.

Thế nhưng điều này khiến cho những người đồng nghiệp xung quanh không mấy vui vẻ. Họ tìm cách cô lập và nhiều lần có hành vi “chơi xấu” như giấu đồ cá nhân của tôi, cố tình rút máy tính trong lúc tôi làm việc khiến tôi mất hết dữ liệu”, Thùy Trang kể lại.

Anh Phạm Anh Phương (30 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là lập trình viên cho biết, trước đây từng làm việc tại một doanh nghiệp lớn, nhưng mức lương chưa thật sự hợp lý so với khối lượng công việc.

Theo thỏa thuận, anh Phương sẽ làm việc 8 giờ/ngày. Nhưng vì khối lượng công việc quá tải khiến anh thường xuyên phải tăng ca đến tối muộn. Bận rộn là thế, nhưng lộ trình thăng tiến và tăng lương lại không rõ ràng đã khiến anh Phương quyết tâm “dứt áo ra đi”.

“Nhiều người nhận định rằng trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển khiến cho lập trình viên chúng tôi sẽ dần “mất giá”. Nhưng thực tế không phải vậy. Ngành IT vẫn luôn “khát” nhân lực chất lượng cao. Minh chứng là ngay sau khi nghỉ việc, tôi được một ngân hàng mời về làm việc với mức lương, thưởng và đãi ngộ rất tốt”, anh Phương chia sẻ.

Theo kết quả nghiên cứu từ Center for American Progress (tổ chức nghiên cứu và vận động chính sách công trình bày quan điểm tự do về các vấn đề kinh tế và xã hội - PV), chi phí trung bình để thay thế một nhân sự nghỉ việc là 16% tiền lương chi trả hàng năm cho các công việc lương thấp, 20% cho những vị trí tầm trung và 213% đối với các vị trí điều hành yêu cầu trình độ cao.

Từ đó có thể thấy, chi phí tuyển dụng, đào tạo một nhân viên mới vô cùng tốn kém so với tiền lương chi trả cho nhân viên cũ, dày dặn kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tuyển nhân viên mới chưa có nhiều kiến thức và kỹ năng cũng khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian đào tạo. Chưa kể, có những vị trí rất “kén” người, không phải cứ đăng tuyển là sẽ tìm được người phù hợp.

“Chìa khóa” cho doanh nghiệp

Thống kê từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến JobsGO về “Mức độ hài lòng của nhân viên năm 2023 & Kế hoạch tìm việc năm 2024” được khảo sát cho thấy: Trong số 700 câu trả lời nhận được từ người lao động, mức lương và các khoản thưởng là điều người lao động quan tâm nhất khi tìm kiếm việc làm với 334 lượt bình chọn (chiếm 55,7%). Đứng thứ 2 với cơ hội phát triển và học tập cũng là một trong số mối quan tâm hàng đầu của ứng viên với 320 bình chọn (chiếm 53,3%).

Theo ông Ngô Xuân Trường - Giám đốc điều hành Sun Glass, muốn giữ chân nhân sự, trước tiên doanh nghiệp cần thấu hiểu mong muốn của họ. Ngoài vấn đề cơ bản là lương thưởng, cơ hội phát triển và thăng tiến thì các phúc lợi khác như đảm bảo công việc dài hạn, có thể gắn bó và làm việc lâu dài với công ty; lương tháng thứ 13, teambuilding, sinh nhật; địa điểm làm việc; môi trường làm việc; thương hiệu công ty;... cũng là một trong số những mối quan tâm của người lao động.

Ngoài ra, ông Trường nhận định, trong bối cảnh hiện tại, không nhân sự nào thích cảm giác bị bó buộc, giám sát quá mức khi làm việc. Vì điều này rất dễ tạo ra căng thẳng và áp lực. Đặc biệt là đối với những nhân sự thuộc thế hệ trẻ.

Đây cũng là một trong những lý do người lao động chọn công việc tự do (freelance) ngày càng nhiều. Ngược lại, khi nhân viên có được sự tự chủ trong công việc và có tiếng nói trong tổ chức, họ sẽ cảm thấy có trách nhiệm và gắn bó hơn với công ty.

Dưới góc nhìn của một lao động trẻ, chị Lê Ngọc Thùy Trang cũng có những chia sẻ hết sức thiết thực, đó là mong muốn doanh nghiệp hãy quan tâm xây dựng một môi trường lành mạnh. Bởi môi trường làm việc cạnh tranh công tâm và công bằng sẽ “đánh thức” động lực làm việc của nhân viên, cho họ cơ hội được bộc lộ năng lực và thể hiện bản thân.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp đừng xem nhẹ sự công nhận và các chế độ khen thưởng đối với nhân viên nếu giữ chân người lao động làm việc lâu dài cho các tổ chức. Bởi lẽ, được công nhận và khen thưởng cho các thành tích mà họ đạt được sẽ khiến họ thấy bản thân có giá trị và mọi nỗ lực họ bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.

Đây là sợi dây vô hình giúp gắn kết, giữ chân nhân sự tài năng. Đồng thời, duy trì được động lực để họ làm việc và cam kết lâu dài với công ty”, chị Thùy Trang cho biết.

“Hãy trao cho nhân viên một số quyền hạn, không gian và sự chủ động để hoàn thành công việc. Ngoài ra, trong những cuộc họp của công ty, nếu được thì tạo cơ hội cho họ đóng góp ý kiến. Điều này vừa giúp người lao động cảm thấy được coi trọng, vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội lắng nghe, tiếp thu. Khi ở thế chủ động, lao động sẽ cảm thấy hài lòng với tổ chức và công việc, khả năng cam kết nhờ đó cũng được củng cố và nâng cao”, ông Ngô Xuân Trường - Giám đốc điều hành Sun Glass nhận định.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doanh-nghiep-giu-chan-nhan-tai-thach-thuc-khong-nho-post699219.html