Doanh nghiệp gỗ cần đặc biệt quan tâm công tác phòng cháy chữa cháy

Với doanh nghiệp gỗ, nguy cơ cháy nổ có thể phát sinh ở bất cứ công đoạn nào trong quá trình sản xuất, chế biến. Do đó, việc chủ động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại nơi sản xuất, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho người lao động về công tác phòng cháy chữa cháy là rất cần thiết.

Chủ động phòng ngừa

Do nhu cầu lao động và giải quyết công ăn việc làm, nên các nhà máy chế biến gỗ thường có số lượng người lao động rất đông. Từ đó dẫn đến việc phải mở rộng quy mô các xưởng sản xuất và đa dạng hóa các khâu, công đoạn sản xuất tập trung thành một dây chuyền liên hoàn thống nhất. Các khâu trong quá trình sản xuất, thành phẩm đều tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Đám cháy có thể bắt đầu từ bất cứ khâu nào trong quy trình sản xuất như khu vực cắt xẻ, gia công, chế tác, phòng sơn, phòng chứa nguyên liệu, kho chứa dăm bào, mùn cưa, bụi gỗ…

Hội thi “Chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” năm 2024 tổ chức tại Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông

Ngoài nguyên liệu gỗ, phôi gỗ thì các sản phẩm phụ từ gỗ dễ cháy hơn như dăm bào, mùn cưa, củi thường tập trung trong xưởng. Khi cháy thì bắt cháy nhanh hơn và dễ dàng cháy lan hơn. Dầu mỡ của máy sản xuất rớt xuống nền trộn lẫn vào mùn cưa, bụi gỗ tạo nên hỗn hợp có khả năng bắt cháy và tự bốc cháy. Ngoài ra, một số xưởng sản xuất còn bố trí nơi đun nấu trong khu vực có nhiều chất cháy hoặc thắp hương, đốt vàng mã cũng góp phần gây ra cháy, nổ. Với đặc thù của ngành nghề sản xuất, nguy cơ cháy, nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ rất cao, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp hiệu quả.

Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (huyện Bắc Tân Uyên), cho biết phần lớn nguyên nhân cháy ở các công ty gỗ bắt nguồn từ khu vực phun sơn với sơn và các loại hóa chất làm dung môi. Các loại hóa chất này dễ bay hơi, khuếch tán trong không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm, dễ bắt cháy và khả năng cháy lan lớn. Khi xảy ra cháy thì rất khó để cứu chữa và dập tắt, gây nguy hiểm lớn tới sức khỏe và tính mạng của con người.

Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông hiện có 350 công nhân, chủ yếu tập trung gia công, sản xuất gỗ thành phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Thời gian qua, vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn được công ty quan tâm. Công ty đã đầu tư hệ thống, thiết bị PCCC một cách bài bản, ngoài việc bố trí khu vực riêng cho công nhân hút thuốc, vệ sinh thường xuyên khu vực bào, bồn dăm, hút bụi... Công ty đã chủ động trang bị hệ thống PCCC và chấp hành đúng các quy định phòng chống cháy nổ. Hàng năm, Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông đều tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật về PCCC cho người lao động.

Nâng cao nhận thức

Bình Dương được xem là “thủ phủ” của ngành gỗ khi chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Bình Dương hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó có hơn 900 doanh nghiệp trong nước và hơn 300 doanh nghiệp nước ngoài. Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) thành lập năm 2009, hiện có hơn 400 thành viên.

Doanh nghiệp ngành gỗ nâng cao nhận thức cho người lao động về công tác phòng cháy chữa cháy.

Trong ảnh:

Sản xuất tại Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long (TP.Dĩ An)

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA, gỗ, bụi gỗ, nguyên vật liệu từ gỗ, dung môi sơn, hàng thành phẩm, mùn cưa rất dễ bắt lửa và lan ra rất nhanh. Ngoài ra, việc không chấp hành hoặc thờ ơ đối với những chính sách PCCC do Chính phủ ban hành cũng là một nguy cơ tiềm tàng dẫn đến tình trạng cháy nổ như hiện nay. Hậu quả của việc cháy nổ là vô cùng nặng nề, trường hợp nhẹ nhất là một vài tiếng ngừng hoạt động và tệ nhất là cháy rụi toàn nhà máy, dẫn đến thiệt hại tài sản và con người là rất lớn. Công tác PCCC trong ngành sản xuất, chế biến gỗ tại các doanh nghiệp gỗ đóng vai trò rất quan trọng với mục đích bảo đảm an toàn và ổn định hoạt động sản xuất. Với những nguy cơ cháy nổ cao, các doanh nghiệp cần phải trang bị kiến thức và hệ thống PCCC hợp lý và khoa học.

Theo đó, hàng năm BIFA đều tổ chức những buổi tập huấn cho các hội viên để cập nhật, hướng dẫn và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp gỗ về công tác PCCC trong sản xuất, kinh doanh. Sau mỗi đợt tập huấn, đại diện các doanh nghiệp sẽ tuyên truyền, phổ biến lại cho công nhân cùng quan tâm hơn đến công tác PCCC tại doanh nghiệp mình.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương: Hiệp hội thường xuyên cập nhật các chính sách mới liên quan đến việc thực hiện quy định, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cho các doanh nghiệp hội viên trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hiệp hội còn ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy.

TÂM TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/doanh-nghiep-go-can-dac-biet-quan-tam-cong-tac-phong-chay-chua-chay-a341074.html