Doanh nghiệp gỗ muốn mở lối đi mới để hồi phục sản xuất
Các doanh nghiệp gỗ đang cố gắng vẽ lại chuỗi cung ứng nguyên liệu để kịp thời phục hồi lại sản xuất.
Giá gỗ nguyên liệu tăng chóng mặt
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tác động của dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng của công nghiệp nội thất Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Nếu muốn chinh phục mục tiêu 14,5 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ sẽ cần có một chiến lược phục hồi hiệu quả, mà theo ông, việc chuẩn bị về mặt nguyên liệu là bước đi đầu tiên và cần thiết hơn cả, bởi thời gian gần đây, giá gỗ nguyên liệu đang trên đà tăng nhanh.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cũng nhìn nhận, giá gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ các thị trường Mỹ, EU, ZL, Úc, Canada… đều tăng so với 2020. Tuy tỉ lệ tăng ở từng loại gỗ có khác nhau nhưng nhìn chung, mức tăng ghi nhận trung bình 20%.
Ở góc độ DN, bà Lê Thị Bích Cảnh, Giám đốc công ty gỗ Mỹ Đức chia sẻ rằng ngay cả giá gỗ xẻ nhập từ Châu Âu cũng tăng nhưng thị trường Mỹ là tăng nhiều nhất. Bà lấy minh chứng, nếu như trước tháng 6-2021, giá gỗ óc chó chỉ 600- 700 USD/m3 thì nay giá đã lên đến 1.200-1.300 USD/m3, mức tăng 100%.
"Mặc dù giá gỗ cao nhưng nhu cầu nguyên liệu rất lớn nên lượng nhập khẩu vẫn tăng", bà Cảnh chia sẻ.
Lý giải về sự tăng giá này, theo ông John Chan, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cứng Hoa Kỳ - AHEC cho rằng nhu cầu nội địa ở Mỹ và Châu Âu tăng cao cộng với gián đoạn logistics cùng các phụ phí phát sinh vì dịch, là nguyên nhân khiến giá gỗ leo thang. Chưa kể, giá nhân công và những khó khăn do COVID-19 cũng cản trở chuỗi cung ứng nguyên liệu.
"Thời điểm hiện tại, việc thiếu nguyên liệu đúng là có nhưng chỉ là tình hình tạm thời. Nguồn cung sẽ được cải thiện khi đại dịch được kiểm soát”-ông John Chan nhận định.
Trong khi đó, Oliver Richard, Giám đốc công ty ANVS, đơn vị chuyên xuất khẩu gỗ từ Châu Âu cho rằng, nhu cầu về gỗ sẽ ngày càng lớn hơn nên việc giá cả nguyên liệu này sẽ là thách thức trong thời gian tới.
Do vậy, theo vị này DN trong ngành cần tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu gỗ để có thể tiết kiệm nguyên liệu. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng kết hợp các nguyên liệu khác để đảm bảo giá thành tốt nhất.
Tiến tới giải pháp mua chung để cắt giảm chi phí
Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành lại cho thấy, giá nguyên liệu tăng là cái khó nhưng cũng chính là cơ hội cho các DN để tìm hiểu và thử nghiệm các nguyên liệu khác. Thực tế hiện nay DN chế biến gỗ Việt Nam chỉ đang tập trung sử dụng dương vàng, sồi trắng và óc chó... trong khi, thị trường còn khá nhiều chủng loại gỗ thích hợp sản xuất nội thất khác.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp cho rằng thị trường trong nước ghi nhận nguồn cung gỗ hợp pháp trong nước như cao su, tràm, keo… không nhỏ, đáp ứng được trên 75% nhu cầu sản xuất của ngành.
"Đáng tiếc nguồn nguyên liệu này chỉ mới tập trung phục vụ các khâu thô như sản xuất viên nén, dăm gỗ. Chưa được dùng nhiều vào việc sản xuất nội thất, có giá trị cao hơn. DN chế biến gỗ cần quan tâm hơn đến nguồn nguyên liệu bản địa này. Chủ động về mặt nguyên liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững", ông Nghĩa nói.
Về mặt trải nghiệm doanh nghiệp, ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc công ty Tavico đưa ra giải pháp, chính vì giá nguyên liệu tăng nên các DN trong ngành cần có sự hợp tác mua chung để có được những đơn hàng lớn, ổn định về giá.
“Các đơn hàng mua chung nguyên liệu cũng sẽ giúp DN tối ưu hóa chi phí vận chuyển – một câu chuyện đau đầu khác của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hà nói.
Thực tế, thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, giá cước vận chuyển toàn cầu đang tăng theo chiều thẳng đứng.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư kí VLA cho biết, nếu năm 2020, đứt gãy chuỗi logistics diễn ra ở Châu Âu thì năm 2021, đứt gãy xảy ra vì ở Châu Á. Dòng chảy hàng hóa toàn cầu tắc nghẽn khiến thời gian vận tải lâu, lại thiếu tàu quay đầu nên container rỗng thiếu trầm trọng. Tình trạng này đã kéo dài nên việc tăng giá không có dấu hiệu dừng lại. Do vậy, DN trong tất cả các ngành sản xuất cần phải phải tính toán tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất.
"Với ngành chế biến gỗ, thay vì nhập gỗ xẻ trực tiếp như trước đây, có thể chọn giải pháp nhập gỗ tròn bằng tàu rời thay vì container để có giá thành tốt hơn, ít biến động", ông Minh đề xuất.
Bổ sung thêm, ông Atiwet Hawaree, Phó chủ tịch công ty Panelplus Thái Lan cũng cho rằng, không chỉ logistics, chuỗi cung ứng của ngành gỗ sẽ chịu nhiều thách thức trong thời gian tới bởi nhu cầu điện sinh học, giá dầu tăng, giá mủ cao su tăng cao… sẽ cạnh tranh trực tiếp đến khả năng cung ứng gỗ nguyên liệu cho ngành sản xuất gỗ.
Do đó các DN cần liên kết lại để có thể tạo nên các giá trị mới. "DN trong ngành trước mắt đang cần một chiến lược nguyên liệu hiệu quả. Trong đó, bao gồm cả việc tính toán các giải pháp nguyên liệu thay thế, kết hợp nguyên liệu cũng như liên kết mua chung, tổ chức lại sản xuất”, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA bày tỏ.