Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (tiếp theo)

Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (viết tắt là Luật Sĩ quan) được thông qua ngày 21/12/1999 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2000; được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014. Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là 'ngành lao động đặc biệt'.

Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại cảng cá Quỳnh Phương năm 2024. Ảnh: Lê Thạch

Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại cảng cá Quỳnh Phương năm 2024. Ảnh: Lê Thạch

Việc xem xét, thông qua Dự thảo Luật quan trọng này tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Báo Biên phòng giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan.

10. Khoản 10, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 38) về tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị

a) Sửa đổi hạn tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị tăng từ 1 đến 2 tuổi; cụ thể: Cấp úy từ 51 lên 53 tuổi, Thiếu tá từ 53 lên 55 tuổi, Trung tá từ 56 lên 57 tuổi, Thượng tá từ 57 lên 59 tuổi, Đại tá từ 60 lên 61 tuổi và cấp tướng giữ nguyên 63 tuổi.

Lý do: Để phù hợp với việc nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan tại Điều 13; vừa giảm số lượng và ngân sách đào tạo sĩ quan dự bị hằng năm, vừa tận dụng được đội ngũ sĩ quan khi nghỉ hưu tiếp tục phục vụ trong ngạch dự bị và số sĩ quan dự bị có kinh nghiệm trong thực tiễn chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị. Mặt khác, việc nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị còn để phù hợp với các chức vụ đảm nhiệm có quân hàm tương đương; sẵn sàng động viên, tổng động viên vào phục vụ Quân đội khi đất nước có tình huống xảy ra, đáp ứng nhu cầu sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị được khôi phục, mở rộng lực lượng theo Quyết tâm Bảo vệ Tổ quốc XHCN. Mặt khác, nhằm bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 1, Điều 17, Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019: "Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan".

Vì vậy, việc điều chỉnh nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan dự bị như Dự thảo Luật là phù hợp với thực tiễn.

b) Bổ sung quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động tại khoản 2

Lý do: Điểm a, khoản 1, Điều 20, Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 quy định: “Chỉ huy trưởng là Ủy viên UBND cấp xã, sĩ quan dự bị...”; khoản 2, Điều 5, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự là công chức cấp xã, có tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Điều 169, Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, do quy định Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã là sĩ quan dự bị, chức vụ tương đương với Tiểu đoàn trưởng, có cấp bậc quân hàm sĩ quan dự bị cao nhất là Trung tá, độ tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị theo Luật hiện hành là 56 (Dự thảo Luật quy định 57), hết tuổi phải giải ngạch và không còn là sĩ quan dự bị nên vướng mắc trong bố trí, sử dụng.

Vì vậy, việc quy định như Dự thảo Luật là bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.

11. Khoản 11, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 41) về bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị

Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 41 quy định học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở thì căn cứ trình độ đã được đào tạo, kết quả học tập, rèn luyện được phong quân hàm sĩ quan dự bị và bổ sung khoản 6, Điều 41 giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết.

Lý do: Ngày 6/8/2024, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Văn bản số 10809-CV/VPTW về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật Sĩ quan; trong đó, thông báo ý kiến Kết luận của Bộ Chính trị: Đồng ý lực lượng vũ trang (QĐND, Công an nhân dân) có cơ chế đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quy định cụ thể.

Kết luận số 86-K1/TW ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ quy định về phong, thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan Quân đội, sĩ quan Công an đối với người được thu hút vào lực lượng vũ trang như sau: "Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được phong quân hàm từ Trung úy và tương đương trở lên, hưởng hệ số lương khởi điểm là 4,6; cán bộ khoa học trẻ có trình độ thạc sĩ được phong quân hàm từ Thượng úy và tương đương trở lên..., cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ được phong quân hàm từ Đại úy và tương đương trở lên..., cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ khoa học được phong quân hàm từ Thiếu tá và tương đương trở lên..." (Điều 15).

Thực tiễn, khoản 1, Điều 41, Luật Sĩ quan quy định: "Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị được phong quân hàm Thiếu úy sĩ quan dự bị", nhưng thực tế hiện nay đào tạo sĩ quan dự bị gồm nhiều đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học, sau đại học, hạ sĩ quan, binh sĩ chuẩn bị xuất ngũ...

Mặt khác, Điều 16, Luật Sĩ quan quy định: Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ được phong quân hàm Thiếu úy; tốt nghiệp loại giỏi, loại khá ở những ngành đào tạo có tính chất đặc thù hoặc có thành tích xuất sắc trong công tác được phong quân hàm Trung úy, trường hợp đặc biệt được phong quân hàm cao hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời chiến; quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ; cán bộ, công chức ngoài Quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên vào phục vụ tại ngũ được bổ nhiệm giữ chức vụ của sĩ quan thì được phong cấp bậc quân hàm sĩ quan tương xứng. Do đó, việc quy định tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị chỉ phong quân hàm Thiếu úy sĩ quan dự bị là chưa phù hợp với các quy định hiện hành và chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, nhất là đối tượng học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ trong Quân đội theo chủ trương của Đảng; đồng thời, chưa phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung như Dự thảo Luật là thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 6/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

12. Điểm a, khoản 12, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 46) về trách nhiệm của Chính phủ

Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của Chính phủ: "Ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt về điều kiện, môi trường làm việc, lương thưởng, chăm sóc sức khỏe và các chính sách khác để thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Quân đội; quy định chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với cán bộ tình báo và người cộng tác với lực lượng tình báo thuộc Bộ Quốc phòng".

Lý do: Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 6/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng: ""Đồng ý lực lượng vũ trang (QĐND, Công an nhân dân) có cơ chế đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài" và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 6/7/2024 của Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật: "... nghiên cứu các chính sách thu hút, giữ chân nhân tài phù hợp với đặc thù của QĐND Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng, an ninh...".

13. Điểm b, khoản 12 và khoản 13, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 46 và Điều 47) về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương các cấp

Sửa đổi, bổ sung Điều 46 và Điều 47 để quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương trong phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội.

Lý do: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, yêu cầu: "Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân"; đồng thời, ngày 6/8/2024 Bộ Chính trị xem xét đề nghị của Quân ủy Trung ương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, có ý kiến kết luận: "Đồng ý lực lượng vũ trang (QĐND, Công an nhân dân) có cơ chế đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài” (Văn bản số 10809-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng); Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 1/9/2024 của Chính phủ quyết nghị: Thống nhất định hướng phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội; đặc biệt là lực lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp với đặc thù của Quân đội và khả năng của địa phương.

Theo Điều 102, Luật Nhà ở năm 2023 quy định Bộ Quốc phòng cung cấp nhu cầu về nhà ở của đối tượng thuộc phạm vi quản lý gửi UBND cấp tỉnh để tổng hợp nên không chủ động được trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện; việc điều chỉnh quy hoạch, chương trình, kế hoạch theo quy định của Luật Nhà ở mất nhiều công đoạn, trong khi nguồn lực có hạn. Mặt khác, đất quốc phòng không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích quốc phòng chuyển giao cho địa phương (khoản 21, Điều 79, Luật Đất đai) để UBND cấp tỉnh đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang dẫn đến phụ thuộc vào kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; trong khi nhu cầu của sĩ quan Quân đội là rất lớn (khoảng 70.000 đồng chí) và trải dài trên khắp 63 tỉnh, thành phố nên việc triển khai thực hiện chính sách về nhà ở cho sĩ quan gặp nhiều khó khăn. Trong khi Quân đội có các doanh nghiệp xây dựng, có đủ nhân lực, nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án, việc giao cho Quân đội thực hiện góp phần làm giảm áp lực và khó khăn cho các địa phương.

Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 giao UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và có trách nhiệm phải bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; tuy nhiên, Luật chưa quy định việc bố trí quỹ đất và thu hồi quỹ đất để giao cho Bộ Quốc phòng, dẫn đến khó bảo đảm tính khả thi. Theo quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng có các cơ quan chuyên môn về đầu tư, xây dựng, quản lý doanh nghiệp và các doanh nghiệp quốc phòng có chức năng, ngành nghề xây dựng công trình, đủ năng lực để quản lý và triển khai thực hiện các dự án nhà ở. Vì vậy, Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp như trên là thể chế hóa chủ trương của Đảng và thống nhất với quy định về trách nhiệm quản lý nhà ở của Bộ Quốc phòng tại khoản 3, Điều 190, Luật Nhà ở năm 2023; bảo đảm sự chủ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội, làm giảm khó khăn, áp lực cho chính quyền địa phương và đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của đội ngũ sĩ quan.

(Còn nữa)

B.P

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gioi-thieu-khai-quat-nhung-van-de-lien-quan-den-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-si-quan-qdnd-viet-nam-tiep-theo-post483658.html