Doanh nghiệp Hà Nội tìm cách khai thác 'mỏ vàng' xuất khẩu trực tuyến

Xuất khẩu trực tuyến được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Hà Nội có thể kết nối nhanh nhất với khách hàng toàn cầu. Để tận dụng tốt tiềm năng này, việc triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là rất quan trọng.

Mới đây, gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội đã được tập huấn nâng cao kỹ năng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.

Nắm bắt tốt cơ hội

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố, chỉ số TMĐT (EBI) của thành phố Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,9 điểm; doanh số TMĐT B2C ước chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT ước đạt 45%.

Gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội đã được tập huấn nâng cao kỹ năng xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới.

Gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội đã được tập huấn nâng cao kỹ năng xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới.

Báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam" do Công ty tư vấn Access Partnership thực hiện cho thấy, ước tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hà Nội còn rất lớn. Với mong muốn tăng trưởng xuất khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã tìm tới các giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng TMĐT quốc tế. Thông qua các nền tảng này, sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận được với người tiêu dùng tại hàng trăm nước trên thế giới, mà không cần phải mở chi nhánh, cơ sở ở nước ngoài như trước đây.

Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ: "Để đạt hiệu quả cao khi tham gia vào các nền tảng TMĐT quốc tế rất cần nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu. Công ty hiện có hàng trăm sản phẩm, nhưng chúng tôi đã dành khoảng 5 tháng để nghiên cứu thị trường, lựa chọn ra 4 sản phẩm phù hợp nhất để đưa lên sàn Amazon và đã đạt được kết quả tích cực".

Những năm gần đây, hồ sơ của các doanh nghiệp tham gia trở nên đa dạng hơn với sự xuất hiện của các nhà sản xuất truyền thống như: Hạt điều Lafooco, gia dụng Sunhouse, mũ bảo hiểm Royal Helmet… Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng bắt đầu đầu tư bài bản và nghiêm túc hơn, thay vì chỉ coi đây như một cuộc chơi mang tính “lướt sóng”.

Hóa giải thách thức

Theo ông Tạ Dũng Trí, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng TMĐT để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của thành phố Hà Nội đạt 6,781 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của TMĐT.

Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (TP.Hà Nội) không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới.

Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (TP.Hà Nội) không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới.

Dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, song đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng nhìn nhận, việc đưa TMĐT vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, kỹ năng quản lý TMĐT còn hạn chế, quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế còn khó khăn và phức tạp…

“Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp”, ông Trí khẳng định.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), hiện nay, trên địa bàn thành phố có tới 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết doanh nghiệp đều tiếp thị thông qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về TMĐT và nhiều doanh nghiệp trong số đó sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa nhiều.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme nhận định, TMĐT xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có thể chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Đại diện Hanoisme cũng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận được nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, xây dựng data dữ liệu thông tin doanh nghiệp, ứng dụng TMĐT trong kinh doanh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn lực nhân sự có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Nhân sự có kỹ năng bán hàng hay tiếp thị trên các nền tảng số, có hiểu biết về các quy định tham gia sàn TMĐT chưa nhiều. Về hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics hiện thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối.

Hỗ trợ nâng cao kỹ năng bán hàng xuyên biên giới

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các đối tác như Amazon, Alibaba, Shopee... đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn, trang bị kỹ năng cho các doanh nghiệp Hà Nội tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu qua các sàn TMĐT xuyên biên giới.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi số với sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0. Các thiết bị thông minh, internet, công nghệ số… được rất nhiều người sử dụng. Xu hướng này tạo ra hiệu quả của việc mua sắm không giới hạn, không chỉ trong một quốc gia, một không gian mà trên toàn cầu qua hình thức TMĐT mua sắm trực tuyến. Các cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cách thức và không bỏ lỡ cơ hội này".

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội, ông Tạ Dũng Trí kỳ vọng, việc đẩy mạnh hỗ trợ, tập huấn kỹ năng bán hàng xuyên biên giới sẽ mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quý báu để giải quyết những khó khăn, thách thức trên.

“Thông qua những buộc tập huấn, chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe và học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực TMĐT và xuất khẩu - những người đã có thành công trong việc áp dụng và phát triển xuất khẩu trực tuyến. Chúng ta sẽ được tiếp cận những thông tin quan trọng về cách tận dụng công nghệ, xây dựng chiến lược tiếp thị, vượt qua các rào cản pháp lý và hạn chế khác”, ông Trí nói.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-nghiep-ha-noi-tim-cach-khai-thac-mo-vang-xuat-khau-truc-tuyen-1093320.html