Doanh nghiệp hành động biến ngành thực phẩm trở nên 'tích cực hơn' với thiên nhiên
Hãng tin CNBC dẫn lời các chuyên gia khẳng định, lãng phí thực phẩm là một vấn đề lớn. Theo số liệu do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố từ năm 2024, hơn 1 tỷ tấn thực phẩm đã bị các hộ gia đình, nhà bán lẻ và công ty dịch vụ thực phẩm vứt bỏ vào năm 2022.

Ngành công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm biến thực phẩm trở nên tích cực và thân thiện hơn với môi trường. Ảnh minh họa: Inspiredtaste
Chi phí cũng rất tốn kém. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thực phẩm bị mất hoặc lãng phí gây thiệt hại hơn 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Vấn đề này khiến nhiều doanh nhân, trong đó có doanh nhân Chloe Stewart, chủ doanh nghiệp thực phẩm Nibs etc. bày tỏ nhiều lo ngại. Trong đó bà chia sẻ: “Đây thực sự là hành vi phạm tội khi chúng ta không tìm ra cách sử dụng tốt hơn cho lượng thực phẩm đang bị lãng phí”.
Ngay lập tức hành động, doanh nghiệp thực phẩm Nibs etc. bắt đầu với vị trí là một trang blog chia sẻ về các thành phần “bị hiểu lầm” là “đồ bỏ đi”, đồng thời khám phá cách nấu ăn mới với các phần của trái cây và rau quả thường bị loại bỏ, như hạt bí ngô đã nạo. bà Chloe Stewart gọi những thứ này là “upcycle” (tạm dịch là nâng cấp, tái chế môt cách sáng tạo), vì chúng có tiềm năng là nguyên liệu theo đúng nghĩa.
Sau này, doanh nghiệp Nibs etc. phát triển với nhiều loại thực phẩm được “upcyle” hơn, như các món bánh với công thức từ phần bã còn sót lại, gồm hạt và vỏ sau khi làm nước ép. Hiện các sản phẩm sáng tạo của công ty đã xuất hiện ở nhiều cơ sở bán lẻ cao cấp của Anh gồm Selfridges và Waitrose.
Cũng dành nhiều quan tâm cho vấn đề này, Quỹ Ellen MacArthur, một tổ chức từ thiện tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm có thể trở nên “tích cực với thiên nhiên” khi tái tạo thay vì làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng các loại cây trồng có thể bị bỏ quên.
Được biết, trong khuôn khổ cuộc thi “redesign” (tạm dịch: thiết kế lại) thực phẩm vừa được Quỹ Ellen MacArthur tổ chức gần đây để nâng cao nhận thức về trách nhiệm tái sử dụng thực phẩm, bên cạnh những sản phẩm của Nibs, còn có mì ống của Hodmedod làm từ đậu nhăn, một loại cây trồng có thể được trồng lại vào đất nếu thời điểm thu hoạch bị bỏ lỡ và Toast, một loại bia ủ bằng bánh mì thừa…
Beth Mander, người giám sát cuộc thi “Big Food Redesign Challenge” của tổ chức từ thiện cho biết, mục tiêu rộng hơn của sáng kiến này là tác động đến các công ty để sản xuất thực phẩm theo cách tái tạo hơn. “Hy vọng lớn của chúng tôi là mỗi lần bạn vào siêu thị và chọn sản phẩm, bạn có thể chắc chắn rằng thiên nhiên sẽ tốt đẹp hơn nhờ vào lựa chọn của bạn”.
Theo thông tin đăng tải trên website của Quỹ Ellen MacArthur, điều đó có nghĩa là canh tác ít thâm canh hơn, trồng nhiều loại cây trồng khác nhau hoặc thêm các thành phần vào sản phẩm để giảm tác động đến môi trường.
Giám đốc cấp cao về môi trường của công ty SeaWeed Company Ben Thomas nhận định: “Hệ thống thực phẩm không tốt là tác nhân chính gây ra suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học... Về cơ bản, chúng ta là một phần của vấn đề, do đó chúng ta phải là một phần của giải pháp”.