Doanh nghiệp 'hiến kế' cho quy hoạch 2030 của TPHCM
Sáng ngày 22-3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế – xã hội thành phố đến năm 2030, nhằm lấy ý kiến và giải pháp từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chia sẻ về định hướng của TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp mà thành phố dự định triển khai trong thời gian tới là tập trung bốn chương trình phát triển theo quyết định 4474 của UBND thành phố ban hành ngày 31-12-2021 về kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, bao gồm “3 đột phá và 1 trọng điểm”. Bên cạnh đó cũng sẽ tăng cường các nhóm giải pháp liên quan đến đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu phát triển, TPHCM đang kiến nghị với các cơ quan trung ương 11 nội dung gồm những nhóm vấn đề lớn, cấp bách, có tính chiến lược lâu dài, các vấn đề về xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án đường Vành đai 3, điều chỉnh tăng mức trần vốn đầu tư công trung hạn, Đề án phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế, cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức và nhiều nội dung cơ bản khác.
Ngoài ra, bà Mai cũng cho biết hiện nay Hội đồng Thẩm định nhà nước đã thông qua cho TPHCM thực hiện 14 nhiệm vụ để thực hiện công tác lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được kỳ vọng mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả các nguồn lực, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế.
Chia sẻ tại sự kiện, nhiều ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn được nêu lên, xoay quanh các vấn đề về lĩnh vực hạ tầng, logistics, các dự án đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, khu công nghiệp, nguồn nhân lực,…
Ở lĩnh vực hạ tầng, hầu hết các nhà đầu tư và doanh nghiệp đều thể hiện mong muốn TPHCM đầu tư nhiều hơn để giữ “xương sống” cho nền kinh tế. Chẳng hạn đại diện Khu công nghiệp Kizuna cho rằng cần phải tăng cường đầu tư cả “phần cứng” và “phần mềm”. Theo đó phần cứng bao gồm hệ thống hạ tầng, nhà xưởng, trong khi phần mềm gồm các ứng dụng công nghệ, dịch vụ, quản lý,… sẽ giúp chia sẻ tài nguyên dùng chung cho các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể đầu tư.
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến liên quan đến những giải pháp TPHCM cần làm trong thời gian tới. Ảnh: V.D.
Trong khi đó, nhiều đại diện hãng logistics nước ngoài cho rằng TPHCM cần sớm đẩy nhanh việc phát triển các cảng quan trọng, chẳng hạn như Cát Lái hay cần đẩy nhanh nâng cấp hệ thống cảng Cần Giờ thay vì bản quy hoạch trước đây.
Bổ sung thêm, đại diện Gemadept đánh giá vấn đề của TPHCM là cần phải xây dựng quy hoạch về hệ thống hậu cần và chuỗi cung ứng. Việc quy hoạch không chỉ có phát triển cảng mà cần phải cả song song cả hệ thống hậu cần. Điều này sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh cho TPHCM và cũng cần hướng đến mục tiêu là tăng cường mối liên kết vùng với các địa phương khác.
Ở lĩnh vực tài chính, một số đại diện doanh nghiệp tiếp tục nêu lên sự cần thiết của việc xây dựng đô thị thông minh ở TPHCM, phát triển thị trường chứng khoán ngang tầm khu vực. Ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch Dragon Capital, đề nghị hỗ trợ chi phí kỹ thuật để nghiên cứu sâu hơn về các đề án về trung tâm tài chính quốc tế, thậm chí xây dựng thị trường hàng hóa và các cơ chế mới liên quan đến việc phát triển fintech.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, ông Phan Văn Mãi, thành phố vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, nội tại vẫn còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và giao thông. Cơ chế liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng, cơ chế hợp tác công tư còn nhiều vướng mắc, dự án hạ tầng lớn còn triển khai chậm… Do đó, thành phố rất mong nhận được sự hiến kế và giải pháp từ phía các doanh nghiệp.
“Sau hội nghị này, Ủy ban sẽ lập các tổ công tác, tiếp tục làm việc với nhà đầu tư về các ý kiến cụ thể. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đồng hành trong quá trình triển khai xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch Phan Văn Mãi kết luận.
D.Nguyễn
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-hien-ke-cho-quy-hoach-2030-cua-tphcm/