Doanh nghiệp 'hiến kế' tiêu thụ nông sản hiệu quả

Các doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử đã 'hiến kế' những giải pháp nhằm tiêu thụ nông sản hiệu quả nhất.

Điểm mạnh, yếu của nông sản Việt là gì?

Ông Lê Mạnh Phong - đại diện Tập đoàn Central Retail - cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt tại hệ thống phân phối, hàng năm, Tập đoàn tổ chức rất nhiều lễ hội ở hầu khắp các địa phương có các loại nông sản thế mạnh như Sơn La, Tây Nguyên, Tây Bắc… cũng như các lễ hội chuyên ngành như lễ hội cá sông Đà, tuần lễ xoài Sơn La, tuần lễ nhãn Hưng Yên… Đây là các giải pháp xúc tiến thương mại quan trọng, giúp quảng bá hình ảnh và thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp tăng lên.

Tập đoàn Central Retail dành vị trí đẹp để bày bán nông sản Việt. Ảnh: Central Retail

Tập đoàn Central Retail dành vị trí đẹp để bày bán nông sản Việt. Ảnh: Central Retail

Các siêu thị của Tập đoàn cũng ưu tiên giành những vị trí trưng bày đẹp cho nông sản Việt để người mua dễ dàng nhìn thấy ngay khi bước chân vào các siêu thị. Hình ảnh nông sản Việt cũng được ưu tiên ở các vị trí trung tâm của các catalogue quảng bá sản phẩm.

Nhờ đó, những năm vừa qua, hàng hóa Việt nói chung và nông sản Việt nói riêng được khách hàng rất ưu tiên khi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại của Tập đoàn Central Retail, góp phần đưa doanh thu tăng trưởng ở mức cao.

Là một sàn thương mại điện tử thuần Việt, ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm kinh doanh phân phối – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), chủ đầu tư sàn thương mại điện tử buudien.vn (trước đây là postmart.vn) cho biết, phân phối các mặt hàng nông sản là một trong những trọng tâm kinh doanh của Bưu điện Việt Nam. Hiện, Bưu điện Việt Nam có mạng lưới 13.000 điểm bưu cục trên toàn quốc, luôn đồng hành cùng bà con trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam hiện đang triển khai sàn thương mại điện tử buudien.vn, tiền thân là postmart.vn, là nơi giới thiệu, quảng bá nông sản đến người tiêu dùng trong nước.

1,2 năm gần đây, sàn thương mại điện tử đã góp phần nâng cao sản lượng tiêu thụ cho bà con. Đặc biệt là truyền thông được nhiều sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP.

Quá trình tiêu thụ nông sản cho bà con, các kênh phân phối có chung nhận định là nông sản Việt có giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy rõ nét sự thay đổi của các địa phương giúp chất lượng sản phẩm tăng lên. Ví dụ cách đây vài năm, dâu tây Sơn La không thể so sánh được với dâu Hàn Quốc vì rất nhỏ và chua. Nhưng vài năm gần đây, dâu tây Sơn La đã có sự thay đổi rõ nét khi to hơn, đỏ hơn và ngọt hơn rất nhiều, hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu về chất lượng, trong khi giá chỉ bằng một nửa.

Đối với chi phí vận chuyển và mức đầu tư, rõ ràng, việc đầu tư nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về cao hơn rất nhiều so với mua hàng nội địa, vì doanh nghiệp phải lên kế hoạch từ sớm, bỏ chi phí nhập nhiều hàng về và đầu tư kho lạnh để bảo quản. Còn nông sản Việt, khoảng cách địa lý gần gũi khiến mức chi phí bỏ ra để vận chuyển hay bảo quản thấp hơn rất nhiều.

Khí hậu thuận lợi và chất lượng vượt trội, cộng với nỗ lực không ngừng của các địa phương, doanh nghiệp trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh đã và đang giúp cho nông sản Việt Nam khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng riêng. Giờ đây, nói đến trái cây là nói đến Sơn La, Bắc Giang… Nói đến thủy sản là nói đến Đồng bằng sông Cửu Long…

Tuy nhiên, điểm yếu của hàng hóa Việt Nam là đâu đó vẫn còn có sự tuân thủ chưa tốt về quy trình sản xuất, còn sử dụng phân bón hay sản phẩm hóa chất chưa đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nơi, bà con còn làm sản phẩm theo phong trào khiến đôi khi sản lượng vượt qua nhu cầu, gây nên tình trạng năm trước có thể kinh doanh tốt nhưng năm sau kinh doanh kém hơn.

Đối với tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, đại diện Bưu điện Việt Nam cho rằng, điểm yếu của nông sản Việt chính là khả năng bảo quản. Đối với sản phẩm chế biến, đồ khô… việc bảo quản không quá khó khăn, song sản phẩm tươi sống, nông sản mùa vụ, việc bảo quản khó. Chưa kể, logistics cũng là điểm yếu khiến nông sản Việt có sức cạnh tranh chưa cao.

Tiếp tục đồng hành tiêu thụ nông sản cho bà con

Để tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ông Lê Mạnh Phong cho rằng, Tập đoàn Central Retail đã đề ra các kế hoạch từng năm để đạt được định hướng này, ví dụ như tổ chức lễ hội trái cây, tuần lễ nông sản… để thúc đẩy bán hàng. Tập đoàn không chỉ làm việc với nhà sản xuất để có được nguồn hàng chất lượng mà còn ưu tiên các vị trí trưng bày đẹp và ưu tiên các hoạt động marketing, xúc tiến thương mại để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp theo, phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Hiện nay, kênh này có sự gia tăng nhu cầu hàng hóa rất lớn.

Ngoài ra, tiếp tục tìm kiếm các nhà sản xuất tại địa phương để gia tăng số lượng mặt hàng nông sản mới bán trong hệ thống, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng nhà sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các siêu thị, trung tâm thương mại của Tập đoàn Centrail Retail tại Việt Nam đón hàng chục nghìn khách hàng mỗi ngày. Do đó, khi tham gia với các địa phương sẽ hỗ trợ tốt địa phương tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại hệ thống phân phối của Tập đoàn sẽ thúc đẩy quảng bá, xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản Việt.

Về phía sàn buudien.vn, thời gian tới, Bưu điện Việt Nam đang hướng tới mô hình phối hợp cùng các chủ thể OCOP số hóa vùng trồng, đưa quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến lên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng theo dõi toàn trình. Đồng thời, nghiên cứu để mỗi địa phương sẽ có 1 điểm bán hàng OCOP, là nơi trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hoặc triển khai Chương trình Chuyến xe OCOP nhằm hợp tác, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, tổ cức các buổi đào tạo với sự chung tay của 63 bưu điện tỉnh, tập trung vào cách truyền thông, cách xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, ví dụ như sản phẩm cần giấy tờ gì? Cần tiêu chuẩn ra sao?

Tiếp theo là truyền thông. Bưu điện Việt Nam sẽ đẩy mạnh kênh truyền thông cả online và offline tại các điểm bưu điện để các hộ nông nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm trực tiếp.

Đối với logistics, tiếp tục quy chuẩn luồng logistics, tham gia chuỗi từ khi hái sản phẩm xuống đến tiêu dùng cuối cùng, để sản phẩm từ khi hái xuống đến kệ vẫn tươi ngon nhất.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-hien-ke-tieu-thu-nong-san-hieu-qua-342744.html