Doanh nghiệp kêu mất thêm tiền tỷ nếu giảm giờ làm việc chính thức

Việc giảm giờ làm việc xuống mức 44 giờ/ tuần như trong Dự thảo Bộ luật lao động được nhận định sẽ khiến chi phí tiền lương, tiền công lao động ngày càng cao, gia tăng áp lực cho doanh nghiệp.

Theo tính toán của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu giảm giờ làm việc từ mức 48 giờ/tuần hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần, các doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm chi phí cho 4 giờ/tuần từ thời gian làm việc bình thường sang trả lương theo giờ làm thêm.

Trả lương theo giờ làm thêm sẽ ở mức 150%; 200%; 300% đơn giá tùy theo ngày làm thêm. Đối với một doanh nghiệp quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm, VASEP cho biết.

Giờ làm việc trong khoảng 40 - 44 giờ/tuần đa phần thuộc các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore còn các nước đang phát triển và phần lớn các quốc gia mới nổi đều quy định giờ làm việc ở mức 48 giờ/tuần.

Hiện nay, ngay cả khi Việt Nam quy định về thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần thì các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề như dệt may, thủy sản, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/năm theo quy định.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn vi phạm quy định về giờ làm thêm để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng hoặc phải giao hàng bằng máy bay.

Ngay cả với tiêu chuẩn 48 giờ làm việc/ tuần, các doanh nghiệp trong các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như thủy sản, dệt may, da giày vẫn có nhu cầu tổ chức làm thêm giờ.

Ngay cả với tiêu chuẩn 48 giờ làm việc/ tuần, các doanh nghiệp trong các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như thủy sản, dệt may, da giày vẫn có nhu cầu tổ chức làm thêm giờ.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang yêu cầu tính lương làm thêm giờ theo lũy tiến, trong khi giờ làm việc lại dự kiến giảm xuống khiến chi phí cho tiền lương, tiền công lao động càng tăng cao.

“Điều này gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt và càng khiến sức cạnh tranh sụt giảm”, VASEP nhận định.

Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về chi phí lao động của Việt Nam ngày càng tăng cao sau khi quy định về giảm giờ làm việc được ban hành, nhất là trong bối cảnh các mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam đang đứng ở mức cao trong khu vực và lương tối thiểu vùng tăng đều qua các năm.

Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể rút khỏi Việt Nam và các doanh nghiệp khác đang dự kiến đầu tư vào do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) giữa tháng trước tại TP.HCM, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đào Ngọc Tùng cho rằng hiện đã có nhiều nước hạ giờ làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động như Trung Quốc, Nhật Bản là 40 giờ, Singapore là 44 giờ.

Ông đánh giá việc giảm giờ làm hàng tuần giúp người lao động có thời gian chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, học tập và nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Tổ chức lao động thế giới (ILO) cho rằng, thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả người lao động và doanh nghiệp, đến từ việc xáo trộn nhịp sinh học, cuộc sống gia đình và xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc,

Nghiên cứu “Working time and the future of work” (Thời gian làm việc và tương lai việc làm) của tổ chức này nhận định làm việc quá nhiều giờ mỗi tuần có thể dẫn đến những tác động mãn tính, các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, rối loạn tiêu hóa hay tỷ lệ tử vong cao hơn như tại Nhật Bản.

Làm việc trong thời gian dài được cho là sẽ giúp có được năng suất cao nhưng thực tế không phải vậy. "Thời gian làm việc dài hơn thường dẫn tới năng suất lao động thấp hơn trong khi làm việc ít giờ sẽ giúp năng suất cao". Điều này là do sự mệt mỏi nhiều hơn, nhân viên giảm sự hài lòng với công việc cũng như giảm động lực.

Duy Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-keu-mat-them-tien-ty-neu-giam-gio-lam-viec-chinh-thuc-1565324469322.htm