Doanh nghiệp khó khăn có được lùi thời điểm tăng lương?
Liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc gặp khó khăn khi áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng mới; đề nghị xem xét lùi thời gian thực hiện.
Về vấn đề này, theo ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH), Nghị định 74/2024/NĐ-CP được ban hành hồi cuối tháng 6, đến nay các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện được 1 tháng, đa phần không có vướng mắc phát sinh. Ngoài điều chỉnh mức tăng chung 6%, tương ứng tăng từ 200.000 – 280.000 đồng theo từng vùng lương, Nghị định cũng phân vùng lại một số địa bàn áp dụng, để phù hợp với tình hình thực tiễn, từ vùng IV lên vùng III, vùng III lên vùng II và từ vùng II lên vùng I. “Sau khi Nghị định 74 được ban hành, đến thời điểm này, chúng tôi nhận được duy nhất một kiến nghị của DN” - ông Lai cho biết.
Với phản ánh của DN về phân vùng, ông Lai cho biết, quá trình xây dựng Nghị định tăng lương tối thiểu vùng được tiến hành rất kỹ và chặt chẽ. Trước đó, mức lương tối thiểu vùng đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn với các bên liên quan, trải qua quá trình lương lượng mới đi đến thống nhất để khuyến nghị với Chính phủ. Trên cơ sở này, Chính phủ mới ban hành Nghị định. Ngay từ quý I/2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất cao, khuyến nghị phương án tăng lương tối thiểu được Chính phủ quyết định. Việc này cũng được công khai, minh bạch. Thông thường, khi Hội đồng đưa ra khuyến nghị, thì gần như đây là phương án mà các DN cần chuẩn bị điều kiện, nguồn lực để thực hiện.
Do đó, theo ông Lai, việc DN phản ánh thời gian gấp gáp, không có sự chuẩn bị dài như vậy là không thuyết phục. Bên cạnh đó, trước khi Hội đồng khuyến nghị, vào mỗi đầu năm, Bộ LĐTBXH có công văn gửi đến tất cả 63 tỉnh, thành phố để chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng lại việc phân vùng.
“Mức lương tối thiểu do Hội đồng khuyến nghị. Nhưng phân vùng chính là cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương” - ông Lai khẳng định, đồng thời cho biết Bộ cũng đã giao Sở LĐTBXH địa phương phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp…để khảo sát, lấy ý kiến, thống nhất trước khi trình UBND tỉnh. Như vậy, phương án điều chỉnh phân vùng gửi lên đã được UBND tỉnh thống nhất giữa các bên.
“Việc phân vùng là thỏa thuận ở địa phương. UBND tỉnh trực tiếp đề xuất lên Bộ LĐTB&XH. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tổng hợp nguyên trạng để xây dựng phương án báo cáo Chính phủ” - ông Lai thông tin.
Lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định. Bộ LĐTBXH cũng đã có văn bản chính thức gửi cho DN giải đáp các thắc mắc. Trong đó, đề nghị công ty cần thực hiện theo đúng quy định được ban hành. Việc điều chỉnh phân vùng để tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận; tăng tính cạnh tranh về việc làm, thu hút lao động. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng cho các địa phương được điều chỉnh. Thực tế, các địa bàn được điều chỉnh đều xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương, và đã có sự trao đổi, đồng thuận với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nên các DN đã có sự chuẩn bị trước.