Doanh nghiệp khó vay vốn khi tài sản thế chấp vướng pháp lý, định giá thấp
Khó tiếp cận vốn khiến doanh nghiệp kiệt quệ và bắt buộc phải dừng cuộc chơi. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có vị thế thị trường cũng phải chấp nhận 'bán mình' cho nước ngoài.
Một trong những nghịch lý lớn của nền kinh tế được PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra là câu chuyện nguồn vốn bị tắc nghẽn trong khi tiền bị đọng ở ngân hàng, kho bạc.
Không được bổ sung vốn kịp thời, nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn lực sau bốn năm chống chịu những biến động khó lường, thậm chí rơi vào tình thế bắt buộc phải “dừng cuộc chơi”. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn so với doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong quý đầu năm 2024 chính là minh chứng rõ nét.
Nói về điều này, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhận xét, nhiều ngân hàng thương mại hiện đang hoạt động “giống như tiệm cầm đồ”, tức là chỉ xét cho doanh nghiệp vay khi có tài sản thế chấp.
Thực trạng này cũng được chỉ ra trong báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM gửi chính quyền thành phố mới đây. Theo đó, có đến hơn 40% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn, cộng với việc giá nhiều loại tài sản bị định giá thấp do rủi ro lạm phát, dẫn đến dù giảm lãi vay thì tín dụng vẫn rất chậm.
Đây cũng không phải là điều các ngân hàng thương mại mong muốn. Bởi lẽ, nếu duyệt khoản vay tín chấp, lỡ như doanh nghiệp không trả được nợ, cán bộ tín dụng có thể bị xử lý hình sự.
Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định", ông Hòe nhận định, đây là điều hết sức vô lý và đi ngược với thông lệ chung của hoạt động tín dụng trên thế giới.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó vay vốn ngân hàng, có thể tìm đến các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, hoạt động bảo lãnh tín dụng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp tài sản. Như vậy, doanh nghiệp nào không có tài sản hoặc tài sản bị định giá thấp hầu như chẳng còn kênh nào để tiếp cận vốn.
Đó là chưa kể các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương có quy mô hết sức khiêm tốn, chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Với số tiền đó, đặt trong bối cảnh hiện nay, cho doanh nghiệp vay cũng chẳng khác nào “muối bỏ bể”.
Khó tiếp cận vốn khiến doanh nghiệp kiệt quệ và bắt buộc phải dừng cuộc chơi. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có vị thế thị trường cũng phải chấp nhận “bán mình” cho nước ngoài qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).
Điển hình như một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam muốn triển khai dự án kinh tế xanh trị giá hàng chục triệu USD, nhận được cam kết đồng hành cấp tín dụng xanh từ phía ngân hàng. Dự án đã công bố, ngân hàng quảng bá khắp nơi về hoạt động cấp tín dụng xanh, sau đó gói vay bị từ chối do không có tài sản thế chấp.
Cuối cùng, doanh nghiệp này phải bán 70% cổ phần cho người Thái để lấy vốn đầu tư dự án xanh được ấp ủ suốt nhiều năm trời.
Trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu tiếp tục diễn biến khó lường, doanh nghiệp dám đầu tư đã ít, doanh nghiệp dám đầu tư mạnh vào lĩnh vực phát triển bền vững lại càng hiếm hơn nhưng rốt cục lại chẳng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành nào về nguồn vốn.
Như vậy, chẳng những ép doanh nghiệp kiệt quệ đi vào “lựa chọn cuối cùng” là rời bỏ thị trường, bất cập trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng còn có thể khiến một bộ phận doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh mất niềm tin vào triển vọng phục hồi, vào tương lai nền kinh tế và vào những cam kết cao đẹp về phát triển bền vững.
Những tổn thất mang tính căn cơ về nội lực và cả niềm tin đó khiến mục tiêu kép 2045 và 2050 của Việt Nam khó có cách nào thực hiện được.