Doanh nghiệp khoa học công nghệ khó tiếp cận được vốn vay, dự án của nhà nước
Dù nằm trong nhóm được ưu tiên, ưu đãi vay vốn, thế nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, họ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, khó tiếp cận những dự án của nhà nước.
Hưởng ứng ngày KHCN Việt Nam (18/5), chiều 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở KHCN, Câu lạc bộ Doanh nghiệp KHCN Thanh Hóa phối hợp tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp”. Tham dự buổi Tọa đàm có ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN cùng đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 32 doanh nghiệp KHCN, là tỉnh có số lượng doanh nghiệp lớn trong tốp đầu cả nước (đứng thứ 5 sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Hải Phòng).
Tuy nhiên, sự phát triển doanh nghiệp KHCN của tỉnh còn chậm về số lượng, quy mô nhỏ; hoạt động của các doanh nghiệp bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Năng lực nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các kết quả nghiên cứu, tự nghiên cứu vào sản xuất, đời sống còn chưa nhiều; vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KHCN.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam, Chủ tịch CLB KHCN tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông (doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh), cho biết: “Doanh nghiệp Tiến Nông chúng tôi ra đời từ năm 1995, khởi đầu chỉ là doanh nghiệp sản xuất phân bón, mục đích hướng đến phục vụ nền nông nghiệp xóa đói, giảm nghèo, giờ đây, sản phẩm của Tiến Nông đã có hàm lượng KHCN cao, đó là “dinh dưỡng cây trồng”. Vì vậy, việc đổi mới, nâng cao năng lực KHCN là yếu tố tất yếu của mỗi doanh nghiệp."
Nói về những khó khăn của doanh nghiệp KHCN, ông Phong đặc biệt lưu ý đến vấn đề vốn cho doanh nghiệp: Thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp KHCN cũng đặt ra một số thách thức đáng chú ý. Một trong những vấn đề lớn nhất là tài chính. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư và nguồn lực tài chính để phát triển. Các doanh nghiệp KHCN còn hạn chế trong việc tiếp cận chính sách, ưu đãi và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Đại diện lãnh đạo các Công ty: Minh Lộ, Tân Thanh Phương,… đều nêu lên những bất cập về tài sản thế chấp khi vay ngân hàng. Các doanh nghiệp lý giải, công trình, dự án của doanh nghiệp KHCN là vô hình nên doanh nghiệp mang những dự án đi thế chấp ngân hàng rất khó, không được ngân hàng chấp nhận. Vì vậy, mặc dù nằm trong nhóm được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi vay vốn, thế nhưng, doanh nghiệp KHCN rất khó tiếp cận được vốn ngân hàng.
Tham gia thảo luận, các doanh nghiệp đều nhấn mạnh một số nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp KHCN tiếp cận nguồn lực; chính sách thuế và giải pháp phát triển sản phẩm KHCN trong doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách thuế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp tiềm năng là doanh nghiệp KHCN; định hướng triển khai phát triển doanh nghiệp KHCN với các nhóm ngành, sản phẩm mà Thanh Hóa có lợi thế để phát triển doanh nghiệp KHCN; một số điểm nghẽn tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN và các quy định đối với doanh nghiệp KHCN và đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống doanh nghiệp KHCN của tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đệ, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP Hợp Lực nhấn mạnh: Là thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tôi sẽ làm hết khả năng và trách nhiệm của mình để gửi đến Chính phủ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đến Chính phủ để cơ chế chính sách, thủ tục hành chính ngày càng phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp KHCN.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh nhấn mạnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp ứng dụng KHCN đứng top đầu của cả nước. Vì vậy, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa mong muốn các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ Doanh nghiệp KHCN thường xuyên tổ chức tọa đàm, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp KHCN; tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thời gian tới, Sở KHCN tiếp tục chủ trì cùng với Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp KHCN, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 13 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các doanh nghiệp nắm rõ và tích cực tham gia. Qua đó, tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ.