Doanh nghiệp khởi nghiệp: Tìm 'chỗ đứng' trên thị trường bán lẻ

Thị trường bán lẻ đang tăng trưởng rất nhanh tại Việt Nam với quy mô dự báo đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Đây được xem là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, để có một 'miếng bánh' thị phần trong hệ thống bán lẻ hiện đại không hề đơn giản, đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN).

Thực tế, các sản phẩm của DNKN ngành tiêu dùng nhanh, thực phẩm xuất hiện khá khiêm tốn trên kệ hàng của một số siêu thị lớn trong chuỗi bán lẻ như Big C, MM Mega Market hay Coop Mart… Nguyên nhân chính do sản phẩm của DNKN chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản như: Chứng nhận pháp lý và chất lượng, thiếu đầu tư nên chưa hấp dẫn về bao bì, mẫu mã. Phần lớn DNKN còn yếu về tiềm lực, nhỏ về quy mô, không cung ứng được nguồn hàng thường xuyên, liên tục cho các siêu thị.

Chi phí đưa sản phẩm vào siêu thị cao khiến DN gặp khó

Chi phí đưa sản phẩm vào siêu thị cao khiến DN gặp khó

Là DNKN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến thực phẩm hữu cơ, Công ty Cổ phần (CP) Thực phẩm DH đã từ bỏ ý định "chen chân" vào hệ thống siêu thị ngay từ lần đầu tiếp cận. Chị Nguyễn Tuyết Hường - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm DH - cho biết: Mặc dù tham gia nhiều hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm do các sở, ban, ngành của thành phố tổ chức để tìm kiếm thị trường, nhưng việc tiếp cận các siêu thị rất khó. Giá thành sản phẩm hữu cơ thường cao hơn 2 - 3 lần so với sản phẩm thông thường, trong khi đa số người tiêu dùng chưa nắm rõ khái niệm và chất lượng của hàng hữu cơ. Thêm vào đó, có rất nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, hồ sơ sản phẩm và các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng; chi phí đưa hàng vào siêu thị cũng lớn.

Từ thực tế chọn lựa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ, ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG - chia sẻ, sản phẩm của DNKN thường là sản phẩm mới, chưa có sức ảnh hưởng trên thị trường. Vì vậy, nhà sản xuất phải có những biện pháp tuyên truyền, kết nối thị trường để khách hàng biết đến, trải nghiệm và sử dụng sản phẩm của mình. "Cơ hội thị trường bán lẻ với các DNKN được đánh giá là rất lớn. DNKN cần nắm vững định hướng khách hàng, mẫu mã, bao bì hay chất lượng sản phẩm khi đưa hàng hóa vào siêu thị. DN không nên bỏ qua phản hồi từ khách hàng, cần điều chỉnh kịp thời về cơ cấu, năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước..." - ông Nguyễn Thái Dũng khuyến nghị.

Chia sẻ về việc kết nối để hỗ trợ DN đưa hàng vào các hệ thống phân phối, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các chương trình kết nối, tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho DN Việt Nam giao lưu, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước. Qua đó, có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại. Đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa đến với DN nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn và chất lượng tốt nhất.

Theo các chuyên gia kinh tế, để DNKN không "đơn thương độc mã" trên hành trình tìm kiếm, kết nối với siêu thị, hệ thống bán lẻ, rất cần vai trò kết nối, dẫn dắt từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Trang Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-khoi-nghiep-tim-cho-dung-tren-thi-truong-ban-le-169329.html