Doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo

Cộng đồng doanh nghiệp Phú Yên đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong thời kỳ mới, khi đất nước đang đứng trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sáng tạo, vươn mình lớn mạnh, khẳng định vai trò là trụ cột của nền kinh tế.

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam là một trong những doanh nghiệp sản xuất mía đường hàng đầu tại Phú Yên. Ảnh: NHƯ THANH

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam là một trong những doanh nghiệp sản xuất mía đường hàng đầu tại Phú Yên. Ảnh: NHƯ THANH

Lớn mạnh trong sản xuất, kinh doanh

Trước yêu cầu cấp thiết trong những ngày đầu tái lập tỉnh, Công ty Quản lý nhà và Công trình đô thị (Sở Xây dựng) được thành lập vào năm 1989. Đây là một trong những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được hình thành trên địa bàn tỉnh lúc bấy giờ. Sau đó, công ty chuyển thành Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Phú Yên, hoạt động chủ yếu cung cấp các dịch vụ công ích như: thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, chiếu sáng đô thị. Năm 2014, công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ hơn 61 tỉ đồng và lấy tên Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên. Từ các nguồn lực sẵn có, công ty đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô cũng như chất lượng dịch vụ.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên cho biết: Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp không thay đổi, doanh nghiệp tự chủ hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp và pháp luật của Nhà nước. Công ty từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển quy mô, năng lực sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Công ty thường xuyên tham gia đấu thầu và trúng thầu thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công viên cây xanh, trồng mới, duy trì chăm sóc cây xanh… ở TP Tuy Hòa, các huyện, thị lân cận.

Cũng là một doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, Công ty CP An Hưng đã từng bước đầu tư nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến, mở rộng quy mô, thị trường, tăng năng lực sản xuất, tăng trưởng doanh thu. Đây là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành may Phú Yên trong những năm qua, hòa nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình như trong năm 2024, doanh thu công ty tăng 27% so với năm 2023, đóng góp cho ngân sách hơn 7 tỉ đồng. Năm 2025, ngoài thị trường chính Mỹ, châu Âu và Úc, công ty tiếp tục mở rộng thêm thị trường châu Á.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã đến đầu tư, sản xuất và hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn cho tăng trưởng hàng năm của tỉnh. Theo ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, với sự đồng hành, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh trong hơn 2 thập kỷ qua, công ty đã hoạt động ổn định và không ngừng phát triển. Hiện công ty đã liên kết, ký hợp đồng với hơn 12.000 nông dân trên tổng diện tích trồng mía là 27.000ha. Nhờ đó, việc chăm lo đời sống cho người lao động cũng như tham gia các hoạt động an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ.

Theo Sở Tài chính, đến nay, số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 3.764 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 75.400 tỉ đồng; có 70 tổ hợp tác, 210 HTX, 2 liên hiệp HTX và 4 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Các doanh nghiệp được bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Với quan điểm phát triển đột phá, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026, mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là mục tiêu tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển thành những doanh nghiệp dân tộc như định hướng của Chính phủ.

Với tinh thần không ngừng đổi mới mỗi ngày để mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản nhằm quản lý và kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng chính là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho biết: Để đưa ra thị trường nguồn sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm thì quy trình nuôi phải an toàn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đến khâu thu hoạch cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn. Với mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, vừa sản xuất theo quy mô công nghiệp, công ty đã xây dựng quy trình nuôi khép kín, đồng thời ứng dụng công nghệ tự động hóa một số công đoạn sản xuất để mang lại hiệu quả cao.

Còn tại Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, ứng dụng khoa học công nghệ là mấu chốt quan trọng để doanh nghiệp phát triển, tạo niềm tin với khách hàng. Theo ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc công ty, hiện doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ sản xuất, kinh doanh như: công nghệ xử lý nước, tự động hóa trong quản lý, vận hành hệ thống Stada; sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý mạng lưới cấp nước tại TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu. Công ty lấy khoa học công nghệ, hiện đại hóa làm động lực để bứt phá, dẫn đầu; đổi mới sáng tạo là chìa khóa để phát triển bền vững, làm mục tiêu chiến lược dài hạn.

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202503/doanh-nghiep-khong-ngung-doi-moi-sang-tao-db65c1a/