Doanh nghiệp kiến nghị bỏ làm việc '3 tại chỗ', nới lỏng ra vào thành phố
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Đà Nẵng bỏ hình thức làm việc '3 tại chỗ', sớm mở cửa các hoạt động, tạo điều kiện ra, vào thành phố.
Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, công bố chiến lược phòng chống dịch COVID-19 và kế hoạch khôi phục kinh tế giai đoạn tới của UBND TP Đà Nẵng ngày 24/9, nhiều doanh nghiệp mong muốn Đà Nẵng bỏ hình thức làm việc “3 tại chỗ”, sớm ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, tạo điều kiện để người lao động được ra, vào thành phố.
Chi phí “3 tại chỗ” quá cao
Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam-Đà Nẵng, mô hình “3 tại chỗ” cũng như các biện pháp hạn chế đi lại như hiện nay không bền vững, cần thay đổi.
Hiện Công ty này thực hiện “3 tại chỗ” theo quy định của UBND TP Đà Nẵng với gần 1.000 nhân viên, tại 6 nhà máy để duy trì chuỗi hoạt động sản xuất nên gặp nhiều khó khăn vì chi phí phải bỏ ra là rất lớn.
“Chi phí cho việc 3 tại chỗ rất cao. Nếu tiếp tục duy trì, dự báo đến cuối năm nay, công ty sẽ phải chi ra 100 tỷ đồng. Tôi kiến nghị bỏ 3 tại chỗ trong thời gian tới để doanh nghiệp tự triển khai các biện pháp, mô hình sản xuất của mình nếu đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch theo hướng dẫn của Chính phủ”, ông Phúc nói.
Cạnh đó, thực hiện “3 tại chỗ”, dù công ty đáp ứng rất nhiều điều kiện cho người lao động không thể bù đắp được những vấn đề khác thuộc về tâm, sinh lý. “Việc sống xa nhà nhiều tháng qua đã ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, tâm lý của người lao động”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, việc hạn chế đi lại như hiện nay cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong tình hình mới, lãnh đạo công ty cũng bắt đầu nhận thấy một số cơ hội và dấu hiệu phục hồi nhưng không thể làm được do việc hạn chế đi lại.
“Chuỗi công việc tại nhà máy, ngoài kỹ sư làm việc trực tiếp thì có một công đoạn về vệ sinh và phải thuê công ty bên ngoài. Công ty này nằm ngoài khu công nghiệp, suốt tuần nay không thể xin giấy đi đường QRCode để đến nhà máy làm việc dù đã nộp đơn đến 3 cơ quan. Bộ phận này không vào làm việc được thì toàn bộ công đoạn tại nhà máy sẽ bị ách tắc”, ông Phúc nêu khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Phúc nêu thêm thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp là sự gián đoạn đáng kể trong sự phân phối sản phẩm đến khách hàng. Chủ yếu là do các cơ quan, ban, ngành không có sự rõ ràng, nhất quán trong cách giải thích hàng hóa thiết yếu.
Còn ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng lại than phiền về thủ tục giấy đi đường tại TP hiện nay. “Đề nghị TP Đà Nẵng sớm bãi bỏ giấy đi đường, cho phép người đã tiêm đủ liều vacine COVID-19 được di chuyển tự do”, ông Ikeda đề nghị.
Theo ông Ikeda, các công ty trong chi hội than vãn rằng họ tuyển được nhân sự mới nhưng do không có giấy đi đường nên nhân sự không tới được công ty, dẫn đến không ký được hợp đồng làm việc. Các công ty quy mô lớn tốn rất nhiều nhân lực để làm thủ tục xin giấy đi đường cho hàng ngàn nhân viên, nhiều lúc không kịp thời hạn chính quyền đặt ra.
Do đó, ông Ikeda kiến nghị thành phố cho phép những người đã tiêm 2 mũi vaccine được đi lại tự do, đồng thời phải rút ngắn thời gian cách ly đối với chuyên gia nước ngoài nhập cảnh khi họ đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Ra vào thành phố vẫn quá khó
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp taxi chưa kịp phục hồi sau dịch năm 2020 thì đợt dịch 2021 ập đến, giáng thêm đòn chí mạng vào ngành dịch vụ vốn đã khó khăn, đang đứng trên bờ phá sản. Hàng ngàn xe taxi nằm bãi hơn 4 tháng nay, muốn hoạt động lại, mỗi xe phải bảo dưỡng, thay thế rất nhiều tiền.
Theo ông Hiền, đặc thù của ngành vận tải taxi, ngoài hoạt động tại địa bàn là hoạt động liên tỉnh theo yêu cầu vận chuyển của khách hàng. Trong khi đó, vấn đề ra vào thành phố hiện nay rất khó khăn. Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đề nghị TP Đà Nẵng có chính sách mở cửa giao thương với các tỉnh lân cận vì thực tế nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động liên tỉnh, liên vùng, không chỉ riêng tại Đà Nẵng.
Đồng quan điểm, ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistic Việt Nam-TP Đà Nẵng cũng cho rằng, việc xin phép ra vào thành phố rất phức tạp. “Công văn mới Sở Y tế ban hành về việc hướng dẫn đi lại làm doanh nghiệp rất lúng túng khi xin phép ra vào thành phố”, ông Lâm cho biết.
Ông Lâm nêu dẫn chứng có nhân viên của công ty mình đến UBND phường nộp đơn xin xác nhận của địa phương để xin công văn cho phép đi lại của Chủ tịch UBND thành phố theo như hướng dẫn nhưng cán bộ phường không ký.
“Đề nghị thành phố cho phép các doanh nghiệp, cá nhân làm thủ tục ra vào thành phố qua kênh online để đơn giản thủ tục, tránh chồng chéo các quy định khác”, ông Lâm kiến nghị.
Phương án mở cửa theo 5 yêu cầu
Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, trong vấn đề xin giấy ra, vào thành phố, việc kết nối giữa các bộ phận chưa chặt chẽ dẫn tới các đơn vị khó khăn khi cấp giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp.
Vì thế, sở sẽ tham mưu thành phố điều chỉnh lại quy định ra vào, tạo điều kiện cho người ra khỏi thành phố thuận lợi, dễ dàng nhất.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, việc áp dụng biện pháp mạnh thời gian qua đã cơ bản đúng hướng, tình hình an ninh trật tự, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ có ý nghĩa và có tính khả thi trong một thời gian rất ngắn bởi vì những tác động của nó đến cộng đồng doanh nghiệp và cuộc sống của người dân là hết sức nặng nề.
“Sức khỏe của một số doanh nghiệp hiện nay đang rất yếu và nhiều đơn vị có khả năng phá sản. Lãnh đạo Đà Nẵng luôn ý thức về các khó khăn của doanh nghiệp và chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tôi mong cộng đồng doanh nghiệp và người dân hết sức chia sẻ”, ông Quảng chia sẻ.
Theo ông Quảng, thời gian tới thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động theo Chỉ thị số 15 với những điều kiện cụ thể để doanh nghiệp nắm được. Vừa xây dựng phương án phòng chống dịch, vừa đáp ứng các điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế đáp ứng theo 5 yêu cầu.
Cụ thể, phải duy trì được xét nghiệm, tầm soát; đảm bảo truy vết, xử lý, khoanh vùng nhanh nhất khi có F0; đảm bảo năng lực điều trị cho F0; đảm bảo bao phủ vắc xin toàn dân và đảm bảo điều kiện phòng chống dịch ở nơi có nguy cơ như chợ, KCN, bến cảng.
Ngoài ra, ông Quảng cho biết TP Đà Nẵng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để sớm hình thành "công dân xanh" và "doanh nghiệp xanh". Đồng thời, thành phố sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.