Doanh nghiệp kỳ vọng mức thuế đối ứng thấp nhất đối với nông sản Việt
Nông sản Việt không cạnh tranh trực tiếp với nông sản của Mỹ và thị phần nông sản Việt tại Mỹ vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng các sản phẩm nông sản sẽ được xem xét với mức thuế đối ứng thấp nhất.

Các sản phẩm nông sản sẽ được xem xét với mức thuế đối ứng thấp nhất. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Rau quả Việt Nam là một trong những nhóm hàng xuất khẩu có tốc độ tăng tưởng xuất khẩu nhanh nhất của ngành nông nghiệp vài năm trở lại đây và đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khiến các doanh nghiệp rất bất ngờ, TTXVN đưa tin.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong nhóm rau quả đang nghiêng về phía Mỹ. Theo đó, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 360 triệu đô la Mỹ nhưng nhập từ Mỹ tới 540 triệu đô la Mỹ.
Xét về thị phần, hiện nay rau quả nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả hàng năm của Mỹ. Trong khi đó, sản phẩm của Mỹ đang chiếm hơn 20% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Như vậy, có thể thấy tác động của mặt hàng rau quả Việt Nam lên thị trường Mỹ không đáng kể. Trong khi đó, rau quả Mỹ đang chiếm ưu thế tại Việt Nam.
Dù đến ngày 9-4 mới biết mức thuế cụ thể cho từng mặt hàng, nhưng ngành rau quả vẫn hy vọng mức thuế đối ứng nếu có sẽ thấp hơn những mặt hàng có thâm hụt thương mại lớn.
Theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, năm 2024, khi xuất khẩu điều lần đầu vượt qua mốc 4 tỉ đô la Mỹ, Mỹ là thị trường lớn nhất với kim ngạch hơn 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 20% thị phần. Trong bối cảnh này, nếu Mỹ đánh thuế đối ứng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến - xuất khẩu của ngành điều.
Ông Sơn cho biết tại Mỹ, hạt điều được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu cùng với thịt gà và trứng. Thuế nhập khẩu, thuế bán lẻ hạt điều đều đang ở mức 0%. Thêm vào đó, mục tiêu của Tổng thống Donald Trump khi đánh thuế đối ứng là nhằm giảm thâm hụt thương mại nhưng vẫn muốn kiểm soát lạm phát, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy, ngành điều sẽ có lợi thế nhất định, nếu bị áp thuế đối ứng cũng sẽ thấp hơn nhiều so với mức thuế chung.
Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, cho rằng cùng với việc đàm phán để giải quyết vấn đề trước mắt, nước ta phải có chiến lược ứng phó lâu dài với các hình thức khác nhau. Chẳng hạn như các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, tăng mua sản phẩm của Mỹ để nâng cấp công nghệ. Khi trình độ công nghệ của Việt Nam cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường khác, giảm sự phụ thuộc vào một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện điều này phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách lãi suất, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ.