Doanh nghiệp làm gì để tiếp cận 49% dung lượng thị trường EU?
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), sau khi tham khảo số liệu tiềm năng xuất khẩu của Tổ chức Thương mại thế giới, ước tính thị trường châu Âu (EU) còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác…
Ưu tiên các mặt hàng thế mạnh
Trong số 49% dung lượng thị trường EU mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể khai thác, nhóm công nghiệp chế biến còn 35-60% và nhóm nông sản thực phẩm còn từ 35-90%, tùy theo sản phẩm cụ thể.
Theo các chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19, DN nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.
EU là đối tác XK lớn thứ 2 của hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng XK có thế mạnh của Việt Nam sang các nước EU.
Theo các chuyên gia EU, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng XK sang EU. Hiện nhiều DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm được ưa chuộng tại EU như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…
Sau khi EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở Hiệp định này sẽ mang lại lợi thế to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử... Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng XK cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận…
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) đánh giá, đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các DN Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ EVFTA. Ngoài ra, đối với từng ngành hàng, tùy vào từng đặc điểm, tính chất, nhu cầu, Cục XTTM sẽ triển khai tương ứng những hoạt động hỗ trợ DN cụ thể để tận dụng lợi thế của EVFTA ngay sau dịch.
Cần tập trung trước vào nhóm hàng nào?
Theo đại diện Cục XTTM, tuy rất khó để đưa ra những dự báo về thị trường trong ngắn hạn - dài hạn và cơ hội chia sẻ thị trường cho Việt Nam, nhưng các chuyên gia thuộc Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ mới đây đã nhận định dự kiến khả năng khôi phục thị trường vào mùa thu đông 2020 và nhóm sản phẩm có khả năng duy trì, phục hồi gồm nhóm hàng cao cấp, vải kỹ thuật, đồ trẻ em, nội thất…
Ngoài ra, EVFTA cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ. Ước tính ngay sau khi có hiệu lực, EVFTA giúp kim ngạch XK gỗ của Việt Nam vào EU có thể đạt 1 tỷ USD trong năm đầu tiên. Lợi ích từ EVFTA với ngành gỗ Việt Nam rất nhiều nhưng thị trường này cũng yêu cầu cao khi các hàng rào kỹ thuật gia tăng, người tiêu dùng đòi hỏi chặt chẽ về nguồn gốc gỗ nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường cũng như chú trọng giá trị thiết kế. Muốn tăng thị phần tại EU, DN Việt Nam phải cải thiện thiết kế, đi kèm đó là chính sách xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng EU.
Bên cạnh đó, EU là thị trường cao cấp rất chú trọng đến các sản phẩm hữu cơ với một số những tiêu chuẩn riêng cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao như chứng nhận Organic, Fairtrade… “Một dự báo hậu Covid-19 từ thị trường EU cho tất cả các nhóm hàng sẽ là xu hướng chuyển dịch mạnh hơn về nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững, sống xanh, hữu cơ… Trong EU, thị trường Đức nằm trong TOP 10 thị trường trọng điểm của ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nên DN Việt có thể bắt đầu từ thị trường này” - ông Phú chia sẻ.