Doanh nghiệp linh hoạt các phương án để ổn định sản xuất

Công ty TNHH Nhôm kính Vân Nam Phát chủ động điều tiết những chi phí sản xuất trong nhà máy để xem xét cắt giảm nhằm hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: NHƯ THANH

Thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động tìm các giải pháp phù hợp để thích ứng.

Gồng mình với giá xăng, dầu

Đây là than thở của đa số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh khi được hỏi về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong điều kiện giá xăng, dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua.

Công ty TNHH Nhôm kính Vân Nam Phát (Vân Nam Phát) là một trong những đơn vị chuyên sản xuất cửa kính tại TP Tuy Hòa. Bình quân mỗi tháng, Vân Nam Phát sản xuất và lắp ráp trên 1.000m2 cửa các loại phục vụ công trình xây dựng nhà ở, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp… Gần đây, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao khiến nguồn nguyên liệu đầu vào tăng 20% so với thời điểm này năm trước. Thế nhưng, doanh nghiệp cố gắng hạn chế thấp nhất mức tăng giá sản phẩm đầu ra để chia sẻ với người tiêu dùng, giữ chân khách hàng. Ông Võ Lương Huyền Vân, Giám đốc Vân Nam Phát cho biết: Doanh nghiệp cố gắng điều tiết những chi phí sản xuất trong nhà máy để xem xét cắt giảm nhằm hạ giá thành sản phẩm. Song song với đó, chúng tôi thường xuyên theo dõi biến động giá nguyên vật liệu đầu vào và cả đối thủ khác trong ngành hàng, khi có biến động giá lớn mới tính đến phương án điều chỉnh giá tiếp theo. Tuy đã làm mọi cách để có thể ổn định giá nhưng chi phí đầu vào quá cao, buộc chúng tôi phải tăng giá thành sản phẩm nhôm kính khoảng 10% so với trước.

Tại Công ty CP An Hưng, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất tại đơn vị luôn khởi sắc. Hiện có gần 2.800 công nhân tham gia sản xuất tại các xí nghiệp trực thuộc. Khác với mọi năm, hiện đơn hàng của công ty đã kín đến tháng 9/2022, khách hàng chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, biến động giá nhiên liệu đã kéo giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao. Công ty phải tính toán lại quy trình sản xuất để giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Bà Bùi Thị Kim Son, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Công ty CP An Hưng cho biết: Khi nhận một đơn hàng, lãnh đạo công ty phải làm việc với đại diện các bộ phận và lên kế hoạch sản xuất hợp lý, tiết kiệm từ khâu nguyên liệu, lắp ráp, cho ra sản phẩm… Đơn vị cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại một số nhà xưởng để tiết kiệm được chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, công ty đàm phán với các đối tác để hạn chế mức thấp nhất nguyên liệu đầu vào.

Chủ động nguyên liệu, thị trường tiêu thụ

Chi phí xăng dầu tăng cao khiến các loại nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, nhưng nhờ chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Công ty TNHH Tam Đỉnh Phú Yên (chuyên sản xuất viên nén gỗ) vẫn hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Tam Đỉnh Phú Yên cho biết: Với hiện trạng các nguồn nhiên liệu như than, xăng, dầu… đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu tìm kiếm các nguyên vật liệu thay thế trở nên cấp bách ở bất cứ quốc gia nào. Trong đó, viên nén gỗ được xem là một vật liệu thay thế có nhiều ưu điểm với nguyên liệu sẵn có, dồi dào và chi phí rẻ. Đặc biệt, với những tiến bộ khoa học trong sản xuất viên nén gỗ nâng cấp nhiệt khiến nó trở thành một giải pháp thay thế rất khả quan cho nhiên liệu than đá truyền thống trong sản xuất năng lượng. Hiện nay, công ty nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Phương, quản lý Công ty TNHH Bình An Phú Yên (chuyên sản xuất viên nén gỗ), nhu cầu sử dụng viên nén gỗ tăng cao một phần do giá xăng, dầu tăng. Thị trường chính của công ty là các đối tác đến từ Hàn Quốc. Từ đầu năm đến nay, số lượng viên nén được đối tác đặt hàng liên tục với số lượng lớn. Chính vì vậy, công ty tổ chức tăng ca làm việc, phát huy tối đa công suất hoạt động nhà máy để giao cho đối tác.

Trên lĩnh vực sản xuất thủy sản, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ. Ông Trần Phước Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MOSC Việt Nam (đang hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) cho biết: Để ổn định sản xuất, phần nào khắc phục những khó khăn do xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp chủ động giảm nhập nguyên liệu từ nước ngoài, mà thay vào đó khai thác nguồn nguyên liệu trong nước, cụ thể là nguồn nguyên liệu đánh bắt gần nhất ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Điều này vừa giảm chi phí vận chuyển, vừa có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. Hiện số lượng đơn hàng xuất khẩu của công ty vẫn được duy trì, tạo doanh thu, ổn định đời sống người lao động.

Để đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-DT

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/280621/doanh-nghiep-linh-hoat-cac-phuong-an-de-on-dinh-san-xuat.html