Doanh nghiệp lo giữ chân lao động
Trong bối cảnh cạnh tranh lao động gay gắt, cùng với chính sách tuyển dụng hấp dẫn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng cải thiện phúc lợi để giữ chân người lao động. Thực tế, nếu được hưởng các chế độ đãi ngộ thỏa đáng, công nhân sẽ gắn bó lâu dài và cống hiến, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thu nhập ổn định, đãi ngộ thỏa đáng
Đi vào hoạt động từ tháng 12/2017, đến nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Daum&QQ Việt Nam (Hiệp Hòa), 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tạo việc làm cho gần 300 lao động. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng nhà xưởng và tiến độ sản xuất các đơn hàng đã ký kết, Công ty đang cần tuyển mới 100 công nhân; thu nhập bình quân hiện đạt 11 triệu đồng/người/tháng.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Daum&QQ Việt Nam.
Bà Đinh Thị Ánh Ngọc, Quản lý sản xuất của Công ty cho biết: Ngoài mức lương cơ bản luôn được chủ sử dụng lao động tăng hằng năm (hiện đang áp dụng mức hơn 4,4 triệu đồng/người/tháng), hằng tháng, mỗi công nhân còn được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ như: Xăng xe 500 nghìn đồng; chuyên cần 500 nghìn đồng; thâm niên 100 nghìn đồng; thưởng năng suất 400 nghìn đồng. Ngoài ra, ăn ca 25 nghìn đồng/suất (tăng ca đến 8 giờ tối được thêm bữa phụ trị giá 15 nghìn đồng/suất).
Là một trong những công nhân đến làm việc tại Công ty từ những ngày đầu thành lập, chị Hoàng Thị Ngà chia sẻ: “Ngoài bảo đảm lương, thưởng, chế độ đãi ngộ tốt, lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng, chia sẻ khi chúng tôi đau ốm, gặp khó khăn đột xuất”. Được biết, chị Ngà không may bị ung thư cổ tử cung, chi phí điều trị tốn kém. Năm 2024, Công ty và công đoàn doanh nghiệp kêu gọi toàn thể người lao động ủng hộ chị gần 20 triệu đồng, phần nào giúp gia đình chị vơi bớt khó khăn.
Nhiều năm liền, Công ty trách nhiệm hữu hạn Daeyang Hà Nội (Cụm công nghiệp Đồng Đình, huyện Tân Yên) vinh dự được Liên đoàn Lao động tỉnh trao danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực trong chăm lo đời sống công nhân, góp phần giữ chân nhân lực. Với đặc thù sản xuất linh kiện điện tử, công nhân phải thao tác liên tục với các chi tiết nhỏ nên từ nhiều năm nay, cứ sau 3 tiếng làm việc, công nhân được nghỉ giải lao 10 phút (ca ngày) và 20 phút (ca đêm).
Trong thời gian này, Công ty bố trí các khu vực để công nhân nghỉ ngơi. Trong tổng số hơn 1 nghìn lao động, có đến 70% là nữ nên doanh nghiệp đặc biệt quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bổ sung nhiều chế độ đãi ngộ để các chị em yên tâm sản xuất. Lao động mang thai từ tháng thứ 5 trở lên được bố trí làm việc tại bộ phận riêng, công việc nhẹ nhàng hơn; khi mang bầu và nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ trước 1 giờ, nghỉ ăn ca trước 10 phút.
Bà Tô Thị Huyên, Phó Giám đốc sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Để người lao động gắn bó lâu dài, tạo không khí thi đua sản xuất, Công đoàn cơ sở còn tham mưu với Ban Giám đốc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, tham quan, tuyên dương công nhân tiêu biểu. Đặc biệt, hằng năm, Công đoàn và Công ty dành hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên khó khăn cải tạo nhà ở, gặp tai nạn, đau ốm.
Tạo động lực để công nhân gắn bó lâu dài
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Việc làm (Sở Nội vụ), toàn tỉnh hiện có gần 10 nghìn doanh nghiệp (508 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp) đang hoạt động với tổng số khoảng 342,6 nghìn lao động làm việc; tăng 20,2 nghìn người so với cuối năm 2024 và tăng 35,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024. Dự báo năm 2025, các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng khoảng 120 nghìn người; riêng quý II khoảng 30 nghìn người, 6 tháng cuối năm khoảng 55 nghìn người.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Việc làm (Sở Nội vụ), toàn tỉnh hiện có gần 10 nghìn doanh nghiệp (508 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp) đang hoạt động với tổng số khoảng 342,6 nghìn lao động làm việc; tăng 20,2 nghìn người so với cuối năm 2024 và tăng 35,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, khi nguồn cung ngày càng khan hiếm, bên cạnh chính sách tuyển dụng hấp dẫn, để thu hút lao động, doanh nghiệp đã chủ động rà soát, tăng các chính sách đãi ngộ như cải thiện tiền lương, thời gian làm việc, ăn ca, thưởng thâm niên, năng suất, hỗ trợ tiền đi lại, nhà trọ, quan tâm đầu tư, xây dựng môi trường làm việc an toàn… Qua đây tạo động lực để lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ở hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá có chế độ đãi ngộ tốt thì biến động về nhân lực hầu như không xảy ra, giúp doanh nghiệp phát triển. Đơn cử như tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Nano Hightech (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng) thời điểm thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” để phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2021), đơn hàng còn nhiều nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động công nhân làm việc.
Bà Hoàng Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty chia sẻ: “Thời điểm đó, Ban Giám đốc bất ngờ vì chỉ sau 1 ngày kết nối với công nhân, đã có gần 200 người (đạt 60% tổng số lao động ổn định) đăng ký đến sinh hoạt, làm việc tại Công ty. Dù tăng ca vất vả, làm thêm cả ngày Chủ nhật nhưng công nhân đều nỗ lực hết mình, giúp doanh nghiệp hoàn thành đơn hàng”. Là doanh nghiệp có số lượng lao động lớn trong tốp đầu của tỉnh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare - ICT (Khu công nghiệp Vân Trung, Khu công nghiệp Quang Châu) hiện có khoảng 44,5 nghìn công nhân.
Theo ông Đỗ Quân, Giám đốc Nhân sự Công ty, hiện nay, số lao động nghỉ việc của Công ty chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu là công nhân mới vào làm vì thấy việc không phù hợp, rất ít lao động lâu năm rời bỏ nhà máy. Được biết, từ ngày 1/3 năm nay, để thu hút và giữ chân lao động, Công ty áp dụng tăng lương cơ bản từ 5,1 lên 5,5 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của công nhân hiện đạt từ 9-12 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ là biện pháp căn bản, lâu dài nhất để giảm thiểu các thiệt hại do tranh chấp lao động, hạn chế ngừng việc tập thể. Đây cũng là thước đo để đánh giá một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, xây dựng uy tín với khách hàng. Để đạt được điều này, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện phúc lợi xã hội, coi người lao động là tài sản quý.
Thời gian tới, Sở sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức công đoàn quan tâm kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở, xử lý doanh nghiệp vi phạm các quy định về pháp luật lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, nhân rộng các điển hình doanh nghiệp “vì người lao động”.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/doanh-nghiep-lo-giu-chan-lao-dong-postid416096.bbg