Doanh nghiệp lo không đón được khách quốc tế

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với loạt quy định siết chặt hơn với khách quốc tế, khiến cộng đồng doanh nghiệp bức xúc, lo không có khách.

Các doanh nghiệp lữ hành mong có quy định thông thoáng, mở cửa hoàn toàn để thu hút khách du lịch quốc tế trở lại.

Khách quốc tế phải cách ly 72 giờ

Góp ý về dự thảo Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế có Công văn khẩn số 90/BYT-DP đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin (ít nhất 14 ngày, không quá 6 tháng) hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.

Những người làm du lịch đều mong muốn Bộ y tế đưa ra quy định vừa đảm bảo khống chế việc lây nhiễm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phục hồi, việc đi lại thông thoáng. Trong khảo sát gần đây của TAB, 90% số khách trả lời nếu bị cách ly họ sẽ không đi du lịch. Người Việt cũng trả lời như thế. Chúng ta đưa ra điều kiện này, đồng nghĩa không có khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nếu có thì rất ít.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB

Quy định cũng yêu cầu du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp muốn di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày; trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh (kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận).

Những nội dung, quy định với du khách quốc tế của Bộ Y tế góp ý được cho là làm khó ngành kinh tế xanh khi thời điểm 15/3 đã cận kề.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Chính phủ đã đồng ý đề xuất mở cửa du lịch từ ngày 15/3 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, khách chỉ cần xét nghiệm 1 lần, chờ cách ly 1 ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh, chứ không chờ lâu hơn. Những người làm du lịch nghe thông tin này đã rất vui mừng, hy vọng từ 15/3, việc mở cửa đúng theo tinh thần thích ứng an toàn, mở cửa hoàn toàn như trước Covid-19. Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Y tế quy định những điều kiện ngặt nghèo, là rào cản đối với khách quốc tế đến Việt Nam.

“Quan điểm của TAB từ trước đến giờ đều mong khách du lịch nội địa, khách quốc tế cần phải được bình đẳng. Không thể cùng là du khách, điều kiện tiêm chủng như nhau, cùng đến du lịch ở vùng xanh, vàng như nhau, nhưng khách quốc tế bị phân biệt đối xử. Như thế làm sao thu hút trở lại khách quốc tế đến Việt Nam?”, ông Chính nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chính, kể cả có tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế tương tự khách nội địa, chúng ta không thể quên rằng còn nhiều khó khăn khác đang làm gián tiếp khiến ngành du lịch khó thu hút khách quay trở lại. Đó là xung đột vũ trang trên thế giới, Việt Nam vẫn đang có dịch. Nghĩa là bản thân khách có thể còn lo ngại liệu họ có bị nhiễm khi du lịch Việt Nam hay không, thế mà chúng ta lại đặt rào cản. Với suy nghĩ đó thì chắc chắn chưa đúng với tinh thần thích ứng an toàn mà Thủ tướng đã đề ra.

Không có “virus quốc tế” và “virus quốc nội”

Về góp ý của Bộ Y tế, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel đánh giá: “Phản hồi này quá mâu thuẫn. Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Vậy khả năng khách quốc tế mắc Covid-19 từ người Việt còn cao hơn nhiều khả năng họ lây cho chúng ta. Theo Nghị quyết 128, việc du lịch nội địa đã trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta đã xóa bỏ rào cản với khách nội. Với khách quốc tế, nếu xét theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, họ vẫn phải test trước khi đi. Đó đã là một khâu kiểm tra cao hơn rồi”.

Theo ông Đạt, thời gian du lịch của du khách quốc tế khá hạn chế. Với khách châu Á, thời gian đi thường chỉ kéo dài 4-5 ngày. Xét theo phản hồi từ Bộ Y tế, họ sẽ tốn tới 3 ngày cách ly. Khách châu Âu có thể đi dài ngày hơn, từ 1 tuần cho tới nửa tháng. Tuy nhiên, khả năng họ chấp nhận đi du lịch kiểu này là không cao.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhận định, góp ý quy định mới của Bộ Y tế với khách quốc tế là “lạc hậu, sai thời điểm”. Đối thủ cạnh tranh của du lịch Việt Nam như Thái Lan đã dỡ bỏ việc test Covid ngày thứ 5, chỉ xét nghiệm ngày đầu, thì chúng ta lại yêu cầu test trong 3 ngày đầu chẳng khác gì “lấy đá buộc vào người”. Thực tế thì không có “virus quốc tế” và “virus quốc nội” nên chúng ta cũng không nên phân biệt.

Trên thực tế, tình hình thế giới đang có nhiều biến đổi, cộng với dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp, không ít đơn vị du lịch, lữ hành cho rằng rất khó có khách quốc tế khi chưa đầy 1 tuần nữa chúng ta mở cửa hoàn toàn du lịch.

“Một số đoàn khách châu Âu của chúng tôi muốn đặt lại tour đến Việt Nam vào tháng 6 năm nay, sau nhiều lần hoãn hủy 2 năm qua, mà giờ chưa lấy được visa vì đơn giản là Việt Nam chưa cấp lại visa du lịch. Nay lại thêm yêu cầu cách ly 72 giờ của phía y tế thì sự phục hồi du lịch càng bị ảnh hưởng”, ông Hà cho biết.

Với những quy định Bộ Y tế góp ý, Chủ tịch Lux Group thở dài: “Tôi chỉ nhìn thấy một bức tranh ảm đạm”.

Hồng Hạnh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-lo-khong-don-duoc-khach-quoc-te-d161838.html