Doanh nghiệp lo tăng chi phí khi giá điện tăng

Từ ngày 10/5/2025, mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8% so với giá hiện hành. Đối với các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, mỗi hộ trong 1 tháng sẽ trả thêm từ 4.550 đồng đến hơn 65.050 đồng, tùy theo mức sử dụng.

Bài toán cơ cấu nguồn điện

Việc điều chỉnh này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách chịu ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Cụ thể, các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tương đương 30 kWh điện mỗi tháng, trong khi các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng cũng nhận được mức hỗ trợ tương tự.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện sẽ có tác động đáng kể đến các đối tượng khách hàng khác. Ước tính, khoảng 574.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ sẽ phải chi thêm trung bình 332.000 đồng/tháng. Mức tăng chi phí đối với 1,98 triệu khách hàng sản xuất trên cả nước dự kiến là 677.000 đồng/tháng. Đối với 719.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, mức chi trả tăng thêm trung bình là 125.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này dự kiến khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2025 tăng khoảng 0,09%.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, cơ cấu nguồn điện năm 2025 có sự thay đổi đáng kể. Nguồn thủy điện với chi phí sản xuất thấp chỉ còn đáp ứng khoảng 25% tổng sản lượng điện của hệ thống. Phần lớn sản lượng điện (75%) đến từ các nguồn có giá thành cao hơn như nhiệt điện than, khí, dầu và năng lượng tái tạo. Tình hình thủy văn diễn biến bất thường cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến công tác vận hành và cung ứng điện. EVN đã chủ động làm việc với khách hàng để tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải.

Để đảm bảo nguồn cung điện trong thời gian tới, EVN cho biết đã nỗ lực triển khai công tác đầu tư xây dựng. Dự kiến trong năm 2025, Tập đoàn sẽ đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, góp phần bổ sung nguồn điện cho hệ thống quốc gia. Đồng thời, các dự án lưới điện quan trọng như đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên cũng đang được triển khai.

Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp

Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp

Giá điện tăng, nỗi lo tăng

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long cho hay, việc tăng giá điện diễn ra trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động và ảnh hưởng của thiên tai vừa qua sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất.

Ông Thắng cho biết, công ty của ông sử dụng điện để vận hành máy móc xử lý chất thải và đang chịu áp lực lớn khi giá điện liên tục tăng trong khi giá dịch vụ xử lý rác lại không thay đổi, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. “Việc tăng giá điện sẽ trực tiếp làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đối với các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện, tác động này càng trở nên rõ rệt”, ông phân tích.

Ông Thắng kiến nghị các cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh giá điện, thực hiện từng bước một để giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Cần có sự tính toán cẩn thận để đưa ra mức tăng với lộ trình hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng quá lớn đến khả năng cạnh tranh và sự tồn tại của các đơn vị sản xuất; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, đồng thời ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Văn Chung, Quản lý nhà máy Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kitovo Thanh Cao cho biết, hiện tiền điện chiếm khoảng 20% tổng chi phí sản xuất của công ty. Trong bối cảnh giá bán sản phẩm không tăng, nhưng các chi phí đầu vào đồng loạt leo thang, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Chung kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là EVN xem xét lại chính sách giá điện áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Ông Chung đề xuất có thể áp dụng mức giá ưu đãi đặc thù cho nhóm doanh nghiệp này; đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm tăng giá điện trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý có những chính sách hỗ trợ riêng biệt, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Hà Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-lo-tang-chi-phi-khi-gia-dien-tang-164096.html