Hà Nội: Các hộ kinh doanh ăn uống rục rịch tăng giá

Trong bối cảnh giá điện bán lẻ bình quân toàn quốc vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 4,8% kể từ ngày 10/5, nâng mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ tại Thủ đô đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn về chi phí vận hành; trong đó, các cửa hàng kinh doanh bún, phở – những mô hình phục vụ ăn uống phổ biến và mang đậm bản sắc ẩm thực Việt – đang đối mặt với bài toán chi phí điện năng leo thang, tác động đến lợi nhuận và sự sống còn của mô hình kinh doanh này.

Chủ cửa hàng phở tại Phố Nguyễn Du cho biết chi phí đầu vào, giá nguyên vật liệu và giá điện tăng nên phải tính toán, điều chỉnh lại giá bán.

Chủ cửa hàng phở tại Phố Nguyễn Du cho biết chi phí đầu vào, giá nguyên vật liệu và giá điện tăng nên phải tính toán, điều chỉnh lại giá bán.

Thực tế cho thấy, điện năng là một trong những chi phí vận hành quan trọng đối với các cửa hàng kinh doanh bún, phở. Từ các thiết bị đun nước dùng như nồi điện công suất lớn, bếp từ, nồi cơm điện, đến hệ thống bảo quản thực phẩm như tủ lạnh, tủ đông, thiết bị chiếu sáng và quạt mát/điều hòa, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào nguồn điện. Với việc giá điện tăng thêm 4,8%, tổng hóa đơn điện của mỗi cửa hàng trung bình đã tăng từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi tháng, tùy theo quy mô hoạt động.

Anh Bùi Văn Quang – chủ một quán phở tại phố Nguyễn Tuân - quận Thanh Xuân chia sẻ: “Trước đây tiền điện mỗi tháng phải trả là khoảng 3,2 triệu đồng, giờ giá điện tăng lên 4,8% đồng nghĩa mỗi tháng cửa hàng của anh phải trả thêm hơn 400.000 đồng/tháng. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng cộng với giá nguyên liệu, giá gas, giá thuê mặt bằng... cũng đang tăng, khiến chi phí cho 1 bát phở cũng sẽ đội lên thấy rõ. Trong khi đó, giá bán một bát phở chỉ dám tăng nhẹ, khoảng 5.000 đồng/bát, nếu tăng nhiều là mất khách.”

Câu chuyện của anh Quang không phải là cá biệt. Theo khảo sát nhỏ tại các tuyến phố nổi tiếng về hàng ăn như Nguyễn Du, Tôn Đức Thắng, Trần Xuân Soạn, Lĩnh Nam… phần lớn các cửa hàng đều ghi nhận mức tăng chi phí điện ở mức gần 5% vào tháng 5 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng không nhỏ với các hộ kinh doanh gia đình vốn có biên lợi nhuận không cao.

Hệ thống nồi ninh xương và nước dùng sử dụng điện tại một cửa hàng bán bún.

Hệ thống nồi ninh xương và nước dùng sử dụng điện tại một cửa hàng bán bún.

Trước đây, điện năng chiếm khoảng 8 - 12% tổng chi phí vận hành của một cửa hàng bún, phở quy mô trung bình (phục vụ từ 80 - 150 suất ăn mỗi ngày). Tuy nhiên, với mức giá điện hiện nay, tỷ lệ này có thể tăng lên 15% hoặc hơn, nhất là vào mùa hè khi nhu cầu sử dụng quạt điện, điều hòa tăng cao.

Chị Nguyễn Thị Lý, chủ quán bún mọc tại phố Lĩnh Nam quận Hoàng Mai cho biết, quán tôi mở cửa từ 5h sáng đến 2h chiều. Tủ đông phải chạy liên tục để giữ thịt, xương và rau củ. Nồi nước dùng đun bằng điện nên phải bật từ 3h sáng. Chưa kể mùa hè này nóng gay gắt, khách vào ăn mà không có quạt hoặc điều hòa thì họ quay lưng ngay. Không dùng điện thì không bán được. Theo chị Lý, trong khi lượng khách không tăng nhiều, thì tổng chi phí tháng 4/2025 đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 2 triệu đồng, chủ yếu do tiền điện và giá nguyên liệu đầu vào cùng tăng.

“Chúng tôi chưa dám tăng giá bát bún, vì khách hàng bây giờ nhạy cảm lắm. Chỉ cần tăng 2.000 - 3.000 đồng là họ chuyển sang quán khác hoặc ăn món khác liền”- chị Nguyễn Thị Lý chia sẻ.

Dễ nhận thấy, các cửa hàng bún, phở phần lớn phục vụ đối tượng khách phổ thông như công nhân viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động. Mức giá mỗi bát phở, bún dao động từ 25.000 - 45.000 đồng. Đây là ngưỡng giá khá “nhạy cảm”, khiến việc điều chỉnh tăng giá bán để bù chi phí điện và nguyên vật liệu đầu vào trở nên khó khăn.

Chị Lê Thị Huyền, chủ quán phở trên phố Tôn Đức Thắng chia sẻ: "Nhà tôi bán phở từ đời bố tôi, bây giờ đến vợ chồng tôi. Nhiều khách quen là những người già trong khu phố đến người làm công ăn lương, thậm chí cả sinh viên thường xuyên ăn phở nhà tôi. Chúng tôi từng thử tăng giá thêm 5.000 đồng/bát nhưng lượng khách giảm hẳn. Sau đó phải quay về mức giá cũ. Mình hiểu khách cũng khó khăn, nên phải cắt bớt lợi nhuận".

Nồi nước dùng đun bằng điện tại một cửa hàng bán bún trên Đường Nguyễn Du.

Nồi nước dùng đun bằng điện tại một cửa hàng bán bún trên Đường Nguyễn Du.

Việc không thể điều chỉnh giá bán trong khi chi phí đầu vào ngày càng leo thang khiến lợi nhuận của nhiều quán bị bào mòn đáng kể. Một số chủ cửa hàng chia sẻ rằng, có thể lợi nhuận tháng 4 và 5 năm nay giảm từ 10 - 30% so với quý I, dù lượng khách không đổi.

Nhiều cửa hàng đã buộc phải tiết kiệm tối đa điện năng để giảm chi phí. Một số giải pháp phổ biến bao gồm: giảm thời gian hoạt động của điều hòa/quạt máy: chỉ bật trong giờ cao điểm, hoặc chỉ bật khi có khách đông; thay thiết bị nấu nướng bằng loại tiết kiệm điện: sử dụng nồi ủ nhiệt thay vì nồi điện công suất cao cả ngày; tắt các thiết bị không cần thiết ngoài giờ bán hàng: tủ bảo quản thực phẩm chỉ giữ ở mức nhiệt vừa đủ vào ban đêm; thay bóng đèn chiếu sáng bằng đèn LED: giúp tiết kiệm đến 40 – 50% điện tiêu thụ. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng chỉ mang tính tình thế và không thể triệt để. “ Có những thiết bị bắt buộc phải bật cả ngày như tủ đông, tủ mát. Tắt đi là hỏng đồ ăn. Không có điện, hàng ăn như chúng tôi chẳng khác gì ngừng bán”, chị Huyền cho biết.

Tình trạng hiện nay khiến các chủ cửa hàng bún, phở ở Hà Nội rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, một mặt phải tìm cách tiết kiệm để duy trì lợi nhuận, mặt khác không thể đánh mất sự hài lòng của khách hàng – yếu tố sống còn trong ngành dịch vụ ăn uống.

Ông Nguyễn Văn Chiến, chuyên gia tư vấn tài chính cho hộ kinh doanh nhận định: “Mô hình hàng quán truyền thống có biên lợi nhuận mỏng, trong khi các chi phí cố định như điện, nước, thuê nhà, nhân công đều đang có xu hướng tăng. Nếu không có chiến lược tối ưu vận hành, hoặc tái cấu trúc mô hình kinh doanh, khả năng ‘đuối sức’ là điều khó tránh khỏi.”

Một số quán lớn hơn đã tính đến việc kết hợp kinh doanh online, bán phở/bún mang đi để mở rộng đầu ra, tăng doanh thu trên cùng chi phí vận hành. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện và năng lực triển khai.

Việc cân bằng giữa thị trường hóa giá điện và ổn định xã hội là một bài toán khó nhưng bắt buộc phải giải. Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng: “Giải pháp căn cơ là cần một lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ chi phí cấu thành, trong khi không tạo ra cú sốc về giá cho người dân và nền kinh tế”.

Trong bối cảnh biến động chi phí hiện nay, nhiều chủ hộ kinh doanh đề xuất các cơ quan chức năng cần xem xét lại cơ chế giá điện cho các hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ, tương tự như chính sách hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, cận nghèo hoặc sản xuất nông nghiệp.

Chị Lê Thị Huyền, chủ quán phở trên phố Tôn Đức Thắng cho biết: “Chúng tôi không phải doanh nghiệp lớn, thu nhập chỉ ở mức trung bình, nếu có chính sách điện giá thấp hơn một chút thì cũng đỡ gánh nặng rất nhiều”. Ngoài ra, các địa phương và ngành điện có thể hỗ trợ đào tạo kiến thức sử dụng điện tiết kiệm, kỹ năng quản lý chi phí cho hộ kinh doanh ăn uống – giúp họ chủ động hơn trong điều hành mô hình kinh doanh.

Giá điện tăng là hệ quả tất yếu từ sự điều chỉnh thị trường và nhu cầu đầu tư hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, ảnh hưởng mà nó mang lại đối với nhóm kinh doanh nhỏ lẻ – đặc biệt là các cửa hàng bún, phở tại Hà Nội – là không thể xem nhẹ. Trong khi việc tăng giá bán là rủi ro khiến mất khách, thì chi phí vận hành leo thang đang trực tiếp bào mòn lợi nhuận của các cửa hàng.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các hộ kinh doanh cần chủ động điều chỉnh mô hình hoạt động, tối ưu hóa chi phí, đồng thời rất cần sự đồng hành từ phía chính quyền và ngành điện lực thông qua các chính sách hợp lý, tạo điều kiện để họ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình kinh doanh đặc trưng, góp phần bảo tồn văn hóa ẩm thực và đảm bảo sinh kế cho hàng nghìn người lao động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống truyền thống.

Bài, ảnh: Quốc Lũy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/ha-noi-cac-ho-kinh-doanh-an-uong-ruc-rich-tang-gia-20250514113442787.htm