Doanh nghiệp lớn bị rút giấy phép, nguồn xăng dầu ở miền Tây liệu có đảm bảo?
Trong 5 doanh nghiệp (DN) vừa bị Bộ Công Thương xử phạt và rút giấy phép, có các DN chiếm thị phần rất lớn tại thị trường miền Tây, nếu bị dừng hoạt động kinh doanh trong nước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn…
Liên quan đến thông tin Bộ Công Thương xử phạt và rút giấy phép kinh doanh của 5 DN đầu mối ở khu vực phía Nam vì có các vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu (KDXD), thông tin với Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị xử phạt cho biết, việc tuân thủ quy định về kinh doanh xăng dầu là điều các doanh nghiệp phải làm, đơn vị không thể làm sai.
Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, có thể ở đây là do cách hiểu khác nhau trong các điều khoản trong Nghị định và Thông tư về kinh doanh xăng dầu giữa DN và đoàn thanh tra dẫn đến việc Bộ Công Thương đình chỉ Giấy phép Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. “Ví dụ DN nói là tôi đủ số đại lý, nhưng thanh tra họ nói như vậy không đúng, không đủ… Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là do cách hiểu khác nhau về thời điểm áp dụng các thông tư khi có sự chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung” – đại diện DN nói.
Trong khi năm 2021 và đầu năm 2022, một số DN xăng dầu bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID- 19, việc lấy kết quả kiểm tra của thời điểm trước để xử lý đình chỉ giấy phép thời điểm này khiến DN khó khăn, trong bối cảnh hiện nay nguồn hàng không ổn định.
Đại diện DN cho rằng, các DN này (5 DN bị xử phạt – PV) là những DN kinh doanh lâu năm, có uy tín trong lĩnh vực xăng dầu, luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa cho hệ thống, không thể có tình trạng treo biển hết hàng được. “Hiện tượng treo biển hết hàng có chăng chỉ xảy ra ở những cây xăng nhỏ lẻ, sản lượng thấp, thứ hai là do có những thời điểm, thù lao cho đại lý thấp dẫn đến kinh doanh thua lỗ nên các chủ cây xăng dừng bán hàng”.
Theo quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương, 5 DN bị xử phạt và tước giấy phép gồm: Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty CP Dầu khí Đông Phương.
Trong đó, Saigon Petro và Petimex là hai ông lớn. Saigon Petro có hệ thống phân phối trải khắp ở TPHCM, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và miền Tây, sản lượng tiêu thụ hàng trăm nghìn m3 mỗi năm. Còn Petimex chiếm hơn nửa thị phần tại Đồng Tháp với hàng nghìn cửa hàng, phân phối khắp các tỉnh miền Tây và cả miền Đông.
Ba DN còn lại mặc dù quy mô không lớn bằng nhưng cũng có hệ thống phân phối trải khắp các tỉnh, thành. “Việc Bộ Công Thương rút giấy phép đối với 5 DN này sẽ ảnh hưởng lớn, nếu bị dừng cả hoạt động kinh doanh trong nước thì một lượng cây xăng rất lớn đóng cửa, người dân sẽ rất khó khăn. Nếu đẩy qua các đơn vị khác thì phải tăng sản lượng đột biến trong khi họ chưa dự trù được, lúc đó các đơn vị này lại thiếu hàng” – đại diện một DN phân tích.
Được biết, tại các tỉnh miền Tây, ông lớn Petrolimex chỉ chiếm thị phần 20- 25%, còn lại là hệ thống các doanh nghiệp xăng dầu khác như Petimex, Cửu Long, PVOIL và hệ thống các công ty tư nhân. Những ngày qua, sản lượng bán ra của các cửa hàng của Petrolimex tăng khoảng 30% do các nguồn cung khác bị ảnh hưởng.