Doanh nghiệp lớn gia tăng sở hữu trường đại học
Làn sóng đầu tư lĩnh vực giáo dục đào tạo đang sôi động trở lại với nhiều thương vụ 'thâu tóm' trường học giá trị nghìn tỷ. Ngoài các doanh nghiệp công nghệ, lĩnh vực này cũng đang thu hút đầu tư từ các tập đoàn bất động sản công nghiệp lớn.

Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh (DHV) chính thức trở thành công ty con của tập đoàn KBC từ giữa tháng 5/2025 (Trong ảnh: Góc truyền thống tại cơ sở chính của DHV tại Q.6 TP. Hồ Chí Minh)
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC) mới đây đã chính thức đưa Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh vào danh sách công ty con của mình sau khi góp thêm 110 tỷ đồng để nắm 51,79% vốn điều lệ của cơ sở đào tạo đại học này.
Việc KBC “thâu tóm” Trường Đại học Hùng Vương được giới phân tích đánh giá là bước ngoặt đáng chú ý của thị trường khi một doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp lớn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực giáo dục. Bởi đến hiện tại KBC được biết đến là một trong những tập đoàn bất động sản công nghiệp lớn nhất cả nước, sở hữu 7 công ty con, 8 công ty liên kết và phần lớn các dự án khu công nghiệp tại miền Bắc và tỉnh Long An. Doanh thu riêng quý I/2025 của doanh nghiệp này đã đạt trên 1.344 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 400 tỷ đồng.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, các doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế ở ba khía cạnh: nhân lực, tài sản bất động sản và hệ sinh thái. Theo đó, việc “thâu tóm” các cơ sở giáo dục giúp các tập đoàn doanh nghiệp kiểm soát được quá trình đào tạo nhân lực, tạo ra nguồn tuyển dụng ổn định theo theo nhu cầu. Các trường học bị thâu tóm sẽ trở thành “vệ tinh” đào tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhân sự dài hạn.
Ở khía cạnh tài sản bất động sản, khi mua lại các trường đại học, cao đẳng sẽ giúp doanh nghiệp sở hữu các quỹ đất lớn có vị trí đắc địa trong thành phố hoặc ven đô. Đây cũng là “cửa” để tiếp cận và phát triển dự án bất động sản gắn liền giáo dục như các mô hình đã có tại Vinschool, Đại học FPT Hòa Lạc, Đại học Quốc tế Miền Đông (Becamex IDC)... Về dài hạn, khi sở hữu các trường học, doanh nghiệp sẽ tạo ra “sự tích hợp mềm” trong kiểm soát chuỗi giá trị khép kín từ văn hóa đến tiêu dùng, từ ý thức thương hiệu đến gắn bó dài hạn.
Thực tế, tại thị trường Việt Nam hiện nay, ngoài KBC, hàng loạt các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong các năm vừa qua đã nhìn thấy những lợi thế kể trên và đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, Nguyễn Hoàng Group đã lần lượt chi tiền tỷ sở hữu các trường đại học như Đại học Hoa Sen, Đại học Gia Định, Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu. Tập đoàn FPT đã xây dựng hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học và sở hữu Đại học FPT – mô hình đào tạo gắn với tuyển dụng công nghệ. Vingroup đã lập VinUni, trực tiếp cạnh tranh ở phân khúc đào tạo công nghệ cao
Trong khi đó Tập đoàn Thành Thành Công đã kiểm soát Đại học Yersin Đà Lạt và hệ thống phổ thông iSchool. Gelex – tập đoàn công nghiệp, nắm cổ phần chi phối Đại học Thăng Long và Hùng Hậu Holdings những năm qua đã mua lại Trường Đại học Văn Hiến đồng thời sở hữu hàng loạt các trường khác, như Trường Cao đẳng Vạn Xuân, Trường Trung cấp Vạn Hạnh, Vạn Tường…
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc (Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội) đầu tư giáo dục - đào tạo là bước đi chiến lược của doanh nghiệp nhằm chủ động đào tạo nhân lực, nâng cao thương hiệu và gia tăng giá trị tài sản. Chiến lược đầu tư này tuy không tạo lãi lớn trong ngắn hạn, nhưng có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát đầu vào lao động, phát triển hệ sinh thái, đồng thời tận dụng quỹ đất và ưu thế truyền thông lâu dài.
Mặc dù vậy, theo ông Lộc, khác với đầu tư các ngành thương mại thuần túy, đầu tư lĩnh vực giáo dục có tính đặc thù cao, đòi hỏi chuẩn mực học thuật, tính ổn định và quản trị mềm. Trên thực tế đã có một số thương vụ đầu tư thất bại, chẳng hạn như Tập đoàn EQuest từng gặp khó khi tái cấu trúc Trường Đại học Việt Mỹ. Ngoài ra, nhiều đại học ngoài công lập sau khi bị mua lại đã giảm mạnh tuyển sinh, mâu thuẫn nội bộ nổ ra, mất kiểm soát học thuật.
Vì vậy, trước làn sóng thâu tóm các trường học ngoài công lập của các tập đoàn kinh tế lớn, các chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững hoạt động đầu tư vào giáo dục của khối doanh nghiệp tư nhân cần có những quy định cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng những yếu tố cốt lõi, bao gồm: tách bạch quản trị học thuật và tài chính; đầu tư dài hạn – không kỳ vọng lợi nhuận tức thì và xây dựng mô hình đào tạo gắn với nhu cầu lao động thực tế.
Theo đó, doanh nghiệp có thể nắm quyền sở hữu, nhưng phải đảm bảo hội đồng học thuật hoạt động độc lập, tránh áp đặt mục tiêu kinh doanh lên chương trình đào tạo); doanh nghiệp cũng cần xác định đầu tư giáo dục là khoản đầu tư chiến lược, không phải tài sản quay vòng vốn nên cần ít nhất 5 - 10 năm để tạo dấu ấn về chất lượng và thương hiệu.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-lon-gia-tang-so-huu-truong-dai-hoc-164432.html