Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng hai con số
Hàng ngàn dự án với tổng giá trị lên đến hàng triệu tỷ đồng cùng với hàng trăm ngàn ha đất không thể đưa vào sử dụng do vướng mắc thủ tục pháp lý. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực khổng lồ mà còn là rào cản lớn cho mục tiêu tăng trưởng hai con số...

Ảnh minh họa
Báo cáo Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cho thấy một thực tế đáng lo ngại: có 2.200 dự án trên cả nước gặp khó khăn với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha đang trong tình trạng “tắc nghẽn”, không thể triển khai dự án.
Thực tế này, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, là “chúng ta đang tự trói và tự đánh mất cơ hội khi để nguồn lực của đất nước đang bị lãng phí ghê gớm”.
Trong bối cảnh đó, các giải pháp về đầu tư, đặc biệt là việc huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả, nổi lên như một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng hai con số vẫn là một thách thức lớn trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu và xu hướng giảm tăng trưởng của nền kinh tế đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
NHỮNG "ĐIỂM NGHẼN CỦA NỀN KINH TẾ"
“Điều này đòi hỏi Việt Nam vừa phải có giải pháp để đảo ngược tình thế giảm tăng trưởng, lại vừa khác biệt với các nước đi trước thì mới có thể bứt phá với tốc độ tăng trưởng hai con số”, ông Thiên nhấn mạnh.
Tuy vậy, nếu nhìn vào cơ sở để thực hiện giải pháp này, ông Thiên lại khá lo lắng, bởi chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề. Hoạt động đầu tư, dù là tư nhân, đầu tư công hay đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đều chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
“Đầu tư tư nhân yếu cả về số lượng lẫn cơ cấu. Đầu tư công giải ngân chật vật. Vòng quay tiền tệ của Việt Nam chỉ ở mức 0,55-0,65 vòng/năm so với mức bình thường là 2 vòng/năm, cho thấy nền kinh tế không có lưu chuyển và dường như không vận động.
Trong khi đó, chất lượng FDI cũng chưa cao, trình độ công nghệ và khả năng kết nối, lan tỏa với khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế”, ông Thiên phân tích.
Về động lực xuất khẩu và tiêu dùng, kể từ sau đại dịch Covid-19, tổng cầu nội địa cũng suy giảm, thị trường dần bị thu hẹp và giảm sút. Dù xuất khẩu là điểm sáng nhưng lại phụ thuộc lớn vào khối FDI (chiếm 72-75% tổng giá trị xuất khẩu) trong khi sự đóng góp của khu vực tư nhân là không đáng kể.
Hơn thế nữa, số lượng doanh nghiệp rút lui ngày càng tiến sát số doanh nghiệp thành lập mới, trái ngược với sự hứng khởi của giai đoạn trước, cũng cho thấy nền kinh tế ẩn chứa nhiều vấn đề “lạ lùng” cần được nhận diện.
Sự “lạ lùng” của bối cảnh này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bắt nguồn từ các điểm nghẽn thể chế.
Đây cũng là phản ánh lớn nhất từ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân được ghi nhận trong báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được VCCI công bố gần đây. Nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp mất hàng năm trời vẫn chưa thể hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Đơn cử, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đường bộ có thể thi công cao tốc chỉ trong 6 tháng, nhưng thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính lại lên đến vài năm. Ngay cả với các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) rất được ủng hộ, thủ tục đất đai cũng có thể kéo dài 3 năm chưa xong.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, hiện nay, nhiều “vùng xám” đang tồn tại trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn như khu vực hộ kinh doanh dù tạo ra nhiều việc làm và doanh thu nhưng số liệu thống kê về khu vực này đang rất ít và rời rạc.
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế, ngay cả ở vị trí nhà thầu phụ cấp 1 cũng rất thấp, cho thấy công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển.
Do vậy, đại diện VCCI cho rằng cần có những giải pháp chiến lược để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các tập đoàn quốc tế, đặc biệt sang các thị trường lớn như Mỹ, và khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư sâu rộng hơn vào Việt Nam.
Việc xây dựng các Luật Công nghiệp nền tảng (hóa chất, năng lượng...) cần có quy định cụ thể về mua hàng, thầu phụ, hỗ trợ vốn, đồng thời củng cố thiết chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.
GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ KHƠI THÔNG DÒNG VỐN
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, để hướng tới tăng trưởng chất lượng và bền vững, cần một cách tiếp cận mới về mục tiêu và giải pháp đầu tư.
Theo đó, thay vì chạy theo số lượng, cần đảm bảo chất lượng tăng trưởng với lạm phát không vượt quá 5% nhằm tránh lạm phát bị neo cao, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và cuộc sống người dân.
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn quan trọng trong đề xuất của ông Lực là việc huy động và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Để vượt bẫy thu nhập trung bình, thay vì đi theo con đường tuần tự như khuyến nghị của World Bank, ông Lực gợi ý Việt Nam nên kết hợp đồng thời cả ba yếu tố: đầu tư (investment), hấp thụ công nghệ (infusion) và đổi mới sáng tạo (innovation).
Cách tiếp cận này được cho là sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực và làm giảm nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2026-2045 chỉ còn khoảng 38% GDP, thay vì mức 40% GDP như mô hình của Trung Quốc trước đây. “Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và hiệu quả của từng đồng vốn đầu tư”, ông Lực cho biết.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực trong dân, khi tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam rất cao so với khu vực, nhưng vòng quay tiền chậm và vốn đổ vào sản xuất kinh doanh còn ít.
“Cách duy nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thế giới đang đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính, sử dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa chưa có tiền lệ… nhưng chúng ta lại đang rất chậm trễ. Việc khơi thông nguồn lực từ khoảng 2.200 dự án đang ách tắc (trị giá 5,9 triệu tỷ đồng) và hơn 300 nghìn ha đất cũng là nhiệm vụ cấp bách để dòng vốn có thể lưu thông hiệu quả”, ông Lực nêu quan điểm.
Từ góc nhìn vĩ mô, TS. Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam cần một cuộc cải cách toàn diện sau hơn 40 năm, phương pháp “xin-cho”, nơi cấp dưới làm đơn xin đổi mới và chờ cấp trên phê duyệt, đã trở nên lỗi thời và tạo ra sự méo mó trong thực thi.
“Đây không chỉ là câu chuyện về chính sách, mà còn là sự thay đổi trong tư duy và văn hóa, để thực sự “thoát ta” và vươn lên trong một thế giới không ngừng vận động.
Tương lai của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khả năng nhận diện đúng các thách thức, dám đối mặt và có những giải pháp cải cách đủ mạnh mẽ, toàn diện, trong đó việc tối ưu hóa và nâng cao chất lượng đầu tư đóng vai trò trung tâm”, TS. Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Cần chiến lược thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Chúng ta vẫn cần một chiến lược thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bởi chúng ta hiện đang có quá nhiều chiến lược (chiến lược tăng trưởng xanh; chiến lược đổi mới sáng tạo; chiến lược khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; chiến lược về trí tuệ nhân tạo…), nhưng chiến lược của chúng ta thiếu sự tập trung và thiếu cả nguồn lực để thực hiện.
Đài Loan trước đây ban hành chiến lược và chỉ tập trung vào chip điện tử. Những công ty sản xuất bán dẫn của Đài Loan cũng chỉ tập trung vào chiến lược đó. Hiện nay, cả thế giới đều đang sử dụng chip của Đài Loan.
Do đó, việc cấp thiết hiện nay là thành lập chiến lược quốc gia về chuyển đổi số cho từng thời kỳ và từng giai đoạn một cách rất cụ thể để làm cơ sở phân bổ các nguồn lực.
Đặc biệt, phải áp dụng quy tắc thị trường trong trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bởi thực tế hiện nay đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, chúng ta chưa áp dụng nguyên tắc thị trường mặc dù đây là yếu tố kích thích quan trọng nhất cho phát triển khoa học và công nghệ.
Nếu không áp dụng nguyên tắc thị trường thì có đổ vào bao nhiêu tiền chúng ta cũng khó có thể tạo ra được công nghệ mới. Khi đó, Nhà nước chỉ mang tính chất đề ra chiến lược và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, sẽ đóng vai trò là lực lượng tiên phong thực hiện.
Song song đó, vấn đề luật về khoa học, công nghệ hiện nay đang rất nhiều. Theo quan điểm của tôi, luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là luật cơ bản nhất, có thể làm rõ và thiết kế ra những luật khác. Chúng ta đã ban hành rất nhiều luật như Luật Công nghệ cao, Luật Sở hữu trí tuệ,… nhưng vẫn đang thiếu những quy định về công nghệ mới.
Mặc dù có thể Quốc hội sẽ thông qua luật mới về ngành công nghiệp công nghệ số, nhưng theo tôi, vẫn chưa thể giải quyết triệt để được hết các vấn đề. Hơn hết, luật pháp của Việt Nam đang thiếu chế tài về việc cản trở đổi mới sáng tạo của các chủ thể.
Do đó, cần đổi mới căn bản quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ. Trong vấn đề này, nước ta chưa tách biệt được quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và quản lý hoạt động khoa học, công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay hoạt động như một viện hàn lâm, quản lý hệ thống đề tài chương trình trọng điểm cấp nhà nước, lập các hội đồng xét duyệt rồi phân bổ rất nhiều công việc mà vốn dĩ thuộc về các tổ chức khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, việc phân bổ ngân sách trung ương cho hoạt động khoa học, công nghệ đang tồn tại nhiều bất cập, khiến hiệu quả không cao; nên chuyển sang cơ chế quỹ để từ quỹ cấp ngân sách cho các dự án.
Đồng thời, nguồn nhân lực phải phát triển đồng bộ với chuyên môn và quản lý; trong đó, vừa nâng cao nhận thức chung của công chúng về khoa học, công nghệ, song hành với đào tạo về chuyên môn.
Đặc biệt, thực tế cho thấy để tổ chức một hội nghị khoa học quốc tế hiện nay phải xin cấp phép rất nhiều, trong khi lại thiếu các cơ chế cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học quốc tế muốn tham gia hội thảo tại Việt Nam phải xin visa du lịch, điều này tạo ra nhiều bất cập.
Lường trước rủi ro trong công cuộc tinh gọn
Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Theo tôi, nếu để bàn về thể chế, không chỉ dựa vào những nhà kinh tế. Vì thế cần phải kết hợp giữa các nhà kinh tế, các nhà luật học, các chuyên gia khoa học, công nghệ, văn hóa mới có thể xây dựng được thể chế.
Có một vấn đề mà ít người đang quan tâm, đó chính là có thể có những rủi ro trong công cuộc cách mạng tinh gọn đang diễn ra. Đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi mà của nhiều chuyên gia đều đồng tình.
Bên cạnh đó, một động lực rất quan trọng tác động đến phát triển kinh tế đó là đô thị. Đến năm 2024, kinh tế đô thị chiếm hơn 70% GDP của cả nước. Theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến 2025 thì Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 đô thị, chiếm khoảng 75% GDP; đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 1.200 đô thị, chiếm khoảng 80-85% GDP.
Hiện, toàn quốc có 6 thành phố trực thuộc trung ương và 140-150 thị xã cũng như thành phố thuộc tỉnh bị bãi bỏ và phân mảnh thành các phường. Vậy, việc bỏ các thị xã, thành phố tác động như thế nào đến tăng trưởng thì dường như vẫn chưa có nhiều người nêu ra.
Theo quan điểm của tôi cũng như nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp, hiệp hội, chắc chắn việc này sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Do đó, tôi đề xuất các nhà kinh tế, các nhà luật học, các nhà quản lý phải tính toán lại. Bởi đô thị của Việt Nam đã khác rất nhiều so với Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị nên quy hoạch đô thị giờ đã khác, chức năng của đô thị cũng khác theo. Các tỉnh giờ đây chỉ còn lại các phường, không còn các trung tâm động lực phát triển cho các tỉnh. Bài toán cho các nhà kinh tế về phát triển kinh tế đô thị giờ đây cũng đã thay đổi...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2025, phát hành ngày 19/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1402

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khoi-thong-nguon-luc-thuc-day-tang-truong-hai-con-so.htm