Doanh nghiệp mất tiền vì giảm thuế VAT nhưng thiếu hướng dẫn
Khó khăn trong việc xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 8% hay 10% làm phát sinh chi phí xã hội và rủi ro kinh doanh.
Thực tế này được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong góp ý mới đây về xây dựng nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.
Không ít doanh nghiệp thậm chí còn không ký được hợp đồng bởi không thống nhất được mức thuế 8% hay 10% dù đã đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả.
Thậm chí, doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.
Điều này xuất phát từ vướng mắc khi phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.
Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn, quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng.
VCCI phân tích, hai nghị định này được xây đựng dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam và trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê chứ hiếm khi được coi là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Do đó, việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành.
Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác.
Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất cũng rất chung chung và khó phân loại.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của hai nghị định trên nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.
Một số doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính nhưng câu trả lời rất chung chung, như “Đề nghị công ty căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối chiếu mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà công ty cung cấp với mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP để thực hiện đúng theo quy định”.
Với những lý do trên, VCCI kiến nghị phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Đồng quan điểm với VCCI, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi hồi đầu năm cho biết, việc thực hiện giảm VAT được áp dụng cho nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà không áp dụng chung cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ.
Trong thực tế, có nhiều hàng hóa, dịch vụ phát sinh không phân biệt rõ có thuộc hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế hay không, nên việc áp dụng của một số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng hóa chất, cơ khí.
Do vậy, cơ quan này khuyến nghị, cần quy định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế rõ ràng, dễ thực hiện.
Cơ quan này cũng đề xuất giảm 2% mức thuế suất VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Trong trường hợp cần loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế, nên quy định nhóm hàng hóa rõ ràng, dễ thực hiện.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, đề xuất áp dụng chung một mức giảm thuế cho các loại hàng hóa, dịch vụ đã được nhiều đại biểu đưa ra.
Đơn cử, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, việc phân biệt đối tượng giảm VAT làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường.
Cùng với đó, có những doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực nên việc phân biệt đối xử giảm VAT vừa gây khó khăn cho công tác hạch toán, vừa tạo sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp, cả quản lý yếu tố đầu vào, đầu ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp hoạt động trong những sản phẩm dịch vụ bị loại trừ khỏi danh sách đề xuất giảm thuế VAT sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.