Doanh nghiệp mong chính sách nhất quán, bớt thủ tục

Trong kiến nghị gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023, các doanh nghiệp cho rằng chính sách thiếu nhất quán, thủ tục phức tạp, kéo dài đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Lúng túng vì chính sách thiếu nhất quán

Sáng 17.3, hai ngày trước phiên họp Cấp cao VBF 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức phiên họp cấp Kỹ thuật thu hút hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và 14 phát biểu của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, nhằm cung cấp thêm thông tin cho phiên cấp cao.

Điều dễ nhận thấy, những vướng mắc được cộng đồng doanh nghiệp nêu ra trên bình diện khá rộng, trong đó tiếp tục nổi lên hai vấn đề về chính sách thiếu nhất quán, thủ tục phức tạp vốn được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần.

Dẫn chứng cho sự thiếu nhất quán trong chính sách, đại diện nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cho biết, trong hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty TNHH nhiều thành viên về việc thay đổi thành viên góp vốn do chuyển nhượng vốn và thông báo về việc thay đổi cổ đông nước ngoài của công ty cổ phần, một trong những tài liệu bắt buộc là “thỏa thuận chuyển nhượng hoặc tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất”.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn yêu cầu thêm “tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất” mặc dù đã đưa thỏa thuận chuyển nhượng vào hồ sơ. Hơn nữa, do không có hướng dẫn về “tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất”, yêu cầu của từng Sở lại khác nhau. Trong khi một số Sở chỉ yêu cầu xác nhận của các bên là giao dịch đã hoàn tất, thì một số nơi khác lại yêu cầu cả xác nhận của ngân hàng về việc chuyển giá chuyển nhượng vốn.

Tương tự, hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chưa có hướng dẫn thực hiện rõ ràng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách thành lập địa điểm hoặc chi nhánh kinh doanh (trong hoặc ngoài tỉnh). Vì thế, một số tỉnh cho phép doanh nghiệp thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh mà không yêu cầu họ phải lập dự án đầu tư mới cho từng địa điểm mới, song một số tỉnh lại yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải có giấy dành riêng cho từng địa điểm kinh doanh hoặc chi nhánh sắp thành lập. Điều này khiến doanh nghiệp rất lúng túng.

Đại diện nhóm Công tác Thuế và Hải quan bổ sung, hiện còn có sự thiếu nhất quán giữa quy định với giải pháp hệ thống (hạ tầng kỹ thuật). Đơn cử, hiện công ty/người khai hải quan sử dụng hệ thống khai báo hải quan điện tử E-cus. Tuy nhiên, hiện có sự không nhất quán trong phần mềm E-cus vì chúng được phát triển bởi nhiều nhà phát triển phần mềm khác nhau. Đã có trường hợp các quy định được cập nhật nhưng các chức năng trong hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan vẫn giữ nguyên.

Chẳng hạn, hiện không còn yêu cầu các công ty sản xuất, gia công xuất khẩu phải đăng ký định mức sử dụng với cơ quan hải quan trước khi xuất khẩu thành phẩm, để có thể nộp Báo cáo quyết toán hải quan hàng năm. Tuy nhiên, có những hệ thống E-cus vẫn đưa ra yêu cầu này, tạo ra nhiều mâu thuẫn và khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kiểm tra sau thông quan.

Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, nhất quán trong các chính sách để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Nguồn: ITN

Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, nhất quán trong các chính sách để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Nguồn: ITN

Nhiều thủ tục “ngày càng phức tạp”

Nếu như sự thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng trong các thủ tục khiến doanh nghiệp lúng túng thì thủ tục phức tạp, kéo dài đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, thậm chí bị lỡ cơ hội đầu tư.

Chia sẻ tại phiên họp cấp Kỹ thuật VBF, ông Trần Anh Đức, nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cho biết, mặc dù thời gian qua đã có nhiều cải thiện tích cực thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp song vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm online. Nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến các Sở Công thương, Bộ Công thương; trong đó có thủ tục kéo dài hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Hay trong lĩnh vực bất động sản, có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam.

Còn theo nhóm Công tác Nguồn nhân lực, giai đoạn trước đại dịch, các mốc thời gian tổng thể để một công ty chuẩn bị và xin phê duyệt nhu cầu lao động nước ngoài cùng giấy phép lao động là từ 2 - 3 tháng, hiện cần đến 4 - 5 tháng, đặc biệt là do quá trình phê duyệt nhu cầu lao động nước ngoài kéo dài. Việc xin giấy phép chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam (trước dịch chỉ mất 3 - 4 tuần thì nay có thể mất đến 3 tháng). Nếu công văn xin chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài không được phê duyệt thì công ty cũng sẽ không thể nộp hồ sơ xin giấy phép lao động.

Nhóm Công tác Du lịch bổ sung, một trong những khó khăn đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là chính sách thị thực phức tạp với nhiều hạn chế. Hiện chỉ có 24 quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực tối đa 15 ngày còn các quốc gia khác phải xin thị thực điện tử hoặc thị thực nhập cảnh sân bay. Do vậy, đại diện doanh nghiệp đề nghị cần kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, tăng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả các quốc gia châu Âu, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ và Canada, tăng số quốc gia được cấp thị thực điện tử (hiện tại là 80) và cấp thị thực dài hạn 3 - 6 tháng cho những du khách muốn khám phá đất nước trong thời gian lâu hơn, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Các doanh nghiệp bày tỏ, để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, việc thống nhất giữa các chính sách cũng như giữa chính sách với thực thi; giảm bớt, đơn giản hóa thủ tục sẽ là giải pháp quan trọng.

Dẫn thực tế UBND TP. Hồ Chí Minh mới đây đã lắng nghe và đưa ra danh sách 7 doanh nghiệp bất động sản cần được ưu tiên gỡ vướng, ông Trần Anh Đức, nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, cho rằng đây là giải pháp tình thế hiệu quả trong lúc chờ sửa văn bản pháp lý. Song, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần lắng nghe và tích cực hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện pháp lý cho doanh nghiệp!

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-mong-chinh-sach-nhat-quan-bot-thu-tuc-i319155/