Doanh nghiệp mong chờ kết quả từ chuyến đi Mỹ của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lên đường công tác tại Mỹ từ đêm 5/4, các doanh nghiệp kỳ vọng cuộc đàm phán của ông với Tổng thống Trump sẽ đạt kết quả tốt về thuế quan.
Doanh nghiệp được trấn an
Bày tỏ sự kỳ vọng của mình, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh, nói: "Chúng tôi theo dõi sát thông tin, diễn biến từ đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sang Mỹ đàm phán. Có thể nói Việt Nam là một trong những đoàn đầu tiên đến Mỹ để đàm phán vấn đề này. Dù con số hai bên thống nhất chưa biết ở mức nào, nhưng các phản ứng nhanh của Đảng, Chính phủ khiến chúng tôi cảm thấy như được trấn an, bớt hoang mang lo lắng và thêm nhiều động lực".

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lên đường công tác tại Mỹ từ đêm 5/4.
Ông Hùng nói thêm doanh nghiệp biết con số 46% mà phía Mỹ đưa ra là không phải áp dụng lên tất cả hàng hóa của Việt Nam mà còn có đàm phán, nhưng vẫn rất sốc. Và ông tin mức thuế đối ứng 46% này sau đàm phán của Phó Thủ tướng ít nhất cũng có thể giảm xuống quanh 20 - 23%.
Nhiều năm nay, doanh nghiệp ngành gỗ đã cùng đổi mới công nghệ, chuyển đổi sản xuất để giảm chi phí lao động, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh hơn, bù đắp lại những khoảng thuế mà phải chịu.
Doanh nghiệp cũng không phụ thuộc vào thị trường Mỹ mà đa dạng thị trường, tìm kiếm nhiều kênh tiêu thụ hơn, không phụ thuộc vào thị trường Mỹ rất nhiều rủi ro.
Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cũng cho biết ông đang rất trông chờ kết quả tốt đẹp từ chuyến sang Mỹ của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
"Tôi tin sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump tối 4/4 và sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ thời gian qua của Chính phủ, thể hiện thiện chí của Việt Nam thì cuộc đàm phán của Phó Thủ tướng sẽ đạt được mức thuế hợp lý nhất có thể", ông Phục nói.
Tuy nhiên, ông Phục nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với kịch bản xấu nhất, đó là khi mức thuế 46% vẫn được Mỹ thông qua. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển hướng tìm thị trường khác để không phụ thuộc quá sâu vào Mỹ.
Theo ông, hiện các doanh nghiệp vẫn sản xuất bình thường nhưng giá tôm đang giảm khoảng hơn 10%. Một khó khăn nữa là các doanh nghiệp không thể thuê container để xuất hàng đi Mỹ, vì ai cũng trong cảnh chạy đua xuất hàng kịp trước ngày 9/4 - thời điểm Mỹ nâng thuế.
Theo thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành chiều 5/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường công tác tại Mỹ trong đêm 5/4.
"Tinh thần chung là sẵn sàng đàm phán với bạn để đưa mức thuế về 0% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ. Ta cũng đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự. Đây là thông điệp lớn nhất. Thứ hai, danh sách mua hàng cũng do Chính phủ quyết định. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khi gặp gỡ, đàm phán sẽ có căn cứ rõ ràng. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm quyết định trên bàn đàm phán với tinh thần 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'", Thủ tướng nói.
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, trong đó đưa ra thông điệp: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về 0%, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Mỹ theo nhu cầu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam.
Mong mức thuế sau đàm phán được giữ hợp lý
Chia sẻ với Báo điện tử VTC News sau thông tin Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Mỹ đàm phán, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam - cho biết, ông và cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng, như trút được gánh nặng.
“Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu luôn trong tâm trạng lo lắng, theo dõi từng diễn biến của việc Mỹ áp thuế đối ứng tới 46% với Việt Nam.Thế nhưng, những áp lực đó đã phần nào được giảm tải”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, việc áp thuế cao đột biến sẽ đẩy họ đến những khó khăn không kể xiết. Trong lúc đang loay hoay tìm kế sách ứng phó, các doanh nghiệp cảm thấy an tâm hơn khi Đảng, Chính phủ đã vào cuộc sát sao, nỗ lực tìm các biện pháp để đối thoại, tháo gỡ vấn đề này.
“Đích thân Tổng Bí thư đã điện đàm trao đổi trực tiếp với Tổng thống Mỹ cho thấy sự quan tâm sát sao, chú trọng đến lợi ích quốc gia của người đứng đầu Đảng. Tôi cho rằng cuộc điện đàm này là vô cùng kịp thời, đúng đắn và có giá trị.
Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu đều hy vọng rằng sau cuộc điện đàm này, sẽ có những động thái thay đổi tích cực từ Mỹ. Đó sẽ là kết quả tốt đẹp từ cuộc đàm phán của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc”, ông Hải nói thêm.

Doanh nghiệp xuất khẩu tự tin hơn sau sự đồng hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. (Ảnh minh họa)
Chung tâm trạng, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Thắng Jean, nói ông rất phấn khởi trước những thông tin này.
"Không chỉ tôi mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khác cũng rất ủng hộ cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Trump. Chính phủ cũng đã phản ứng rất nhanh, rất kịp thời khi cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang đàm phán với Mỹ.
Việc này trước tiên hỗ trợ rất nhiều về tinh thần cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vững tin rất nhiều và có động lực tiếp tục sản xuất trước khi có thông tin chi tiết", ông Việt cho biết.
Theo ông Việt, ngành dệt may vẫn đang cố gắng mở rộng thị trường, hỗ trợ nhau tìm kiếm các thị trường mới, trong đó, tiềm năng nhất hiện nay là Trung Đông và Bắc Âu. Nhưng do đặc thù là hàng hóa xuất dứt điểm theo mùa nên doanh nghiệp cũng cần thời gian nhất định.
"Đơn hàng đang phục hồi tốt, nhất là từ tháng 1 năm nay. Nhưng đến tháng 2, việc xuất hàng đi Mỹ có chững lại khoảng 6-10% vì thông tin thuế quan. Giờ nghe Mỹ áp thuế đối ứng đến 46% với hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp trong ngành rất hoang mang. Chúng tôi rất mong mức thuế sau đàm phán được giữ hợp lý", ông Việt cho biết thêm.
Ông Việt cũng nhấn mạnh sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư, ông có thêm niềm tin đoàn công tác của Chính phủ sẽ đàm phán thành công với Mỹ, để đạt mức thuế hợp lý nhất.