Doanh nghiệp muốn lùi thời điểm tăng lương tối thiểu, vì 'không kịp xoay sở'

Một doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai phản ánh, quy định tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực chỉ sau một ngày ban hành, khiến công ty xoay sở không kịp. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng phương án đã được thống nhất, công ty cần thực hiện theo đúng quy định đã ban hành...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết nhận được phản ánh của một doanh nghiệp, về việc gặp khó khăn khi áp dụng mức lương mới.

DOANH NGHIỆP MUỐN TRÌ HOÃN TĂNG LƯƠNG

Cụ thể, Công ty TNHH Fashion Garments 2 (FGL), địa chỉ ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề nghị xem xét thời gian có hiệu lực của Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo phản ánh của công ty này, Nghị định tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực chỉ sau một ngày, khiến công ty xoay sở không kịp để đáp ứng được với các quy định mới.

Bên cạnh đó, công ty có hơn 11.000 lao động, trong đó có gần 4.500 lao động ở hai huyện Tân Phú và Cẩm Mỹ. Tuy nhiên việc điều chỉnh hai địa bàn này từ vùng III lên vùng II một cách đột ngột, không có trong dự thảo ban đầu đã gây ra nhiều khó khăn cho công ty.

Theo đó, công ty gặp khó khăn về chi phí tăng thêm, bởi không nằm trong ngân sách dự toán từ trước. Doanh nghiệp đã nhận đơn hàng với chi phí trước điều chỉnh, nên sự thay đổi này tác động đến chi phí sản xuất, ảnh hưởng đơn hàng đã ký.

Vì vậy, doanh nghiệp này đề nghị các cấp có thẩm quyền có hướng dẫn những vùng III sang vùng II được lùi thời gian áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng sang đầu năm 2025, thay vì bắt đầu từ tháng 7/2024.

Phản hồi về nội dung này, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết thực tế việc điểu chỉnh tiền lương tối thiểu vùng không phải là nội dung mới, thậm chí được thực hiện hằng năm. Chỉ trừ một số năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội có khó khăn, việc này bị lùi lại.

Theo ông Lai, Nghị định 74/2024/NĐ-CP được ban hành hồi cuối tháng 6, đến nay các doanh nghiệp đã thực hiện được 1 tháng, đa phần không có vướng mắc phát sinh.

Ngoài điều chỉnh mức tăng chung 6%, tương ứng tăng từ 200.000 – 280.000 đồng theo từng vùng lương, Nghị định cũng phân vùng lại một số địa bàn áp dụng, để phù hợp với tình hình thực tiễn, từ vùng IV lên vùng III, vùng III lên vùng II, và từ vùng II lên vùng I.

Lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho hay việc tăng lương tối thiểu sẽ tác động đến doanh nghiệp trên hai khía cạnh. Một là mức điều chỉnh, hai là phân vùng. Từ đó, tác động đến chi phí của công ty.

“Sau khi Nghị định 74 được ban hành, đến thời điểm này, chúng tôi nhận được duy nhất một kiến nghị của doanh nghiệp”, ông Lai nói.

VIỆC PHÂN VÙNG ĐÃ ĐƯỢC THỐNG NHẤT TRƯỚC KHI ÁP DỤNG

Với phản ánh của doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Quan hệ lao động và Tiền lương Tống Văn Lai, cho biết quá trình xây dựng Nghị định tăng lương tối thiểu vùng được tiến hành rất kỹ và chặt chẽ.

Ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: Mạnh Thắng.

Ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: Mạnh Thắng.

Trước đó, mức lương tối thiểu vùng đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp bàn với các bên liên quan, trải qua quá trình lương lượng mới đi đến thống nhất để khuyến nghị với Chính phủ. Trên cơ sở này, Chính phủ mới ban hành Nghị định.

“Ngay từ quý 1/2024, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất cao, khuyến nghị phương án tăng lương tối thiểu được Chính phủ quyết định. Việc này cũng được công khai, minh bạch. Thông thường, khi Hội đồng đưa ra khuyến nghị, thì gần như đây là phương án mà các doanh nghiệp cần chuẩn bị điều kiện, nguồn lực để thực hiện”, ông Lai cho hay.

Do đó, việc doanh nghiệp phản ánh thời gian gấp gáp, không có sự chuẩn bị dài như vậy là không hoàn toàn thuyết phục.

Bên cạnh đó, trước khi Hội đồng khuyến nghị, vào mỗi đầu năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đều có công văn gửi đến tất cả 63 tỉnh, thành phố để chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng lại việc phân vùng.

“Mức lương tối thiểu do Hội đồng khuyến nghị. Nhưng phân vùng chính là cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương”, ông Lai khẳng định, cho biết Bộ cũng đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp…để khảo sát, lấy ý kiến, thống nhất trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

Như vậy, phương án điều chỉnh phân vùng gửi lên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất giữa các bên.

Theo ông Lai, về vấn đề này, Bộ đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Sau đó, địa phương đã rà soát lại theo đúng quy trình.

“Việc phân vùng là thỏa thuận ở địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp đề xuất lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tổng hợp nguyên trạng để xây dựng phương án báo cáo Chính phủ”, ông Lai thông tin.

Lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành Nghị định. Bộ cũng đã có văn bản chính thức gửi cho doanh nghiệp giải đáp các thắc mắc. Trong đó, đề nghị công ty cần thực hiện theo đúng quy định được ban hành.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh phân vùng để tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận; tăng tính cạnh tranh về việc làm, thu hút lao động. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng cho các địa phương được điều chỉnh.

Thực tế, các địa bàn được điều chỉnh đều xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương, và đã có sự trao đổi, đồng thuận với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nên các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trước.

Nghị định 74/2024 đã điều chỉnh lại phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu như sau:

Điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: Thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương; các thị xã Quảng Yên và Đông Triều, các thành phố Uông Bí, Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh; huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai; thành phố Tân An, huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.

Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và huyện Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang; thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương; thành phố Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình; thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Tân Phú, huyện Cẩm Mỹ thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa; thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng; thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An.

Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: Các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương; các huyện Thái Thụy, Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình; các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Ninh Phước thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-muon-lui-thoi-diem-tang-luong-toi-thieu-vi-khong-kip-xoay-so.htm