Doanh nghiệp 'muốn' tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 3.000 đồng/bao trong 5 năm

Tại Hội thảo 'Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá', các doanh nghiệp nhất trí với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá tuy nhiên mức tăng cần giảm xuống 1.000 đồng/bao trong năm 2026 và 500 đồng/bao/năm đến năm 2030.

Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam:

Đề xuất 2 phương án mới với mức tăng thuế thấp

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhận thấy việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo Hiệp hội với phương án đề xuất của Bộ Tài chính về mức thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối cho mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà một cách đột ngột đột biến và lớn sẽ tác động sâu rộng đến ngành thuốc lá.

Với 2 phương án của Bộ Tài chính, đến năm 2029 và 2030 giá bán lẻ các sản phẩm chiếm 85% tổng sản lượng của Hiệp hội đều đạt từ 20.014 - 22.214 đồng/bao tương đương với 2 sản phẩm nhập lậu chính là JET, HERO; đồng thời cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm nhập lậu giá rẻ. Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh như thuốc lá thì giá bán sẽ tác động trực tiếp đến gói chi tiêu của người tiêu dùng.

Hiệp hội với 18 đơn vị sản xuất thuốc lá điếu sẽ phải thực hiện hoạt động cơ cấu lại, phá bỏ hoặc “đắp chiếu” nhiều hệ thống dây chuyền sản xuất thuốc lá điếu để phù hợp với sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh, điều này chắc chắn sẽ tác động sâu rộng đến vốn và tài sản của nhà nước, an sinh xã hội, việc làm và thu nhập của người lao động tại các địa phương đặt cơ sở sản xuất.

Trước bối cảnh trên, Hiệp hội đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đều có mức khởi điểm từ 1.000 đồng/bao vào năm 2026 và đến 2030 là 3.000 đồng bao.

Ông Nhân nêu rõ, với mức tăng trên tỷ lệ tăng giá bán xuất xưởng (VAT) và giá bán lẻ vào so với hiện tại chỉ từ 4% đến 20% là phù hợp với đặc điểm sản phẩm thuốc lá hợp pháp. Đặc biệt là giúp tránh được cú sốc về tăng giá bán thuốc lá hợp pháp, giảm thiểu biến động lớn từ đó có cơ hội bình ổn thị trường ngăn chặn thuốc lá nhập lậu.

Bà Vũ Lan Hương, Phó giám đốc Công ty Thuốc lá Thăng Long:

Các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi, khó bảo toàn vốn nhà nước

Theo bà Hương, với mức thuế tuyệt đối rất cao của dự thảo luật, tỷ lệ thuế/giá bán lẻ của các sản phẩm thuốc lá trung cấp sẽ cao hơn rất nhiều các sản phẩm cao cấp. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đang cung cấp cho số đông người tiêu dùng, sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn, ảnh hưởng nặng nề hơn các doanh nghiệp khác đang cung cấp cho đối tượng khách hàng ít có nhạy cảm về giá.

Đáng chú ý, 18 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu trên cả nước đều có chủ sở hữu là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (100% vốn nhà nước) hoặc các UBND cấp tỉnh, thành phố. Với đề xuất tăng thuế này, các doanh nghiệp thuốc lá điếu nhỏ, đang có sản lượng thấp, và cả doanh nghiệp sản xuất thuốc điếu khác nếu không thích ứng kịp, đứng trước nguy cơ không thể bảo toàn vốn, tài sản nhà nước, việc làm cho người lao động.

Bà Hương kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét giãn tiến độ tăng thuế để cho các doanh nghiệp thuốc lá điếu có thời gian phục hồi sau nhiều các cú sốc kinh tế đã có.

Trong trường hợp phải tăng thuế, xin cân nhắc tới đặc điểm tình hình thị trường thuốc lá điếu tại Việt Nam, đặc biệt là nguồn cung không hợp pháp thuốc lá rất lớn trên thị trường, lựa chọn các bước tăng vừa phải, không tạo độ sốc quá lớn, tạo độ giãn nở hợp lý cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Công ty nhất trí đề xuất của Hiệp hội thuốc lá về bước tăng 1.000 đồng/bao qua mỗi hai năm hoặc tăng đều 500 đồng/bao hàng năm.

Ông Daniel Hsu, Tổng giám Đốc BAT Vùng Đông Á:

Tăng thuế cần hài hòa

Tổng giám Đốc BAT Vùng Đông Á ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá. Điều này phù hợp với khuynh hướng trên thế giới, giúp giảm thiểu tỷ lệ hút thuốc lá, hạn chế người tiêu dùng tiếp cận thuốc lá giá rẻ, dễ dự đoán nguồn thu ngân sách, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Daniel Hsu, mô hình thuế đề xuất của Bộ Tài chính phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (FCTC) cũng như Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, lãnh đạo BAT cho rằng, việc tăng thuế cần phải hài hòa, tránh tăng đột biến ảnh hưởng đến thị trường nhằm cân bằng mục tiêu kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả, đồng giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội và giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế bền vững.

Ông Daniel Hsu nhận định, mức tăng thuế quá cao, chưa từng có tiền lệ ở cả 2 phương án đề xuất tại Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt bộc lộ nhiều rủi ro và chắc chắn sẽ gây sốc cho ngành thuốc lá.

Lãnh đạo BAT kiến nghị xem xét mức bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao trên mức thuế 75% hiện tại, và sau đó theo lộ trình mỗi năm tăng mức thuế tuyệt đối thêm 500 đồng/bao.

Để giảm thiểu tỷ lê người hút thuốc lá, bên cạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thuốc lá lậu, tránh thất thu ngân sách cũng như giáo dục nâng cao ý thức người dân, cấm hút thuốc ở nơi công cộng,…

An Nhiên (ghi)

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/doanh-nghiep-muon-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-thuoc-la-o-muc-3000-dong-bao-trong-5-nam-d50318.html