Doanh nghiệp Mỹ thừa nhận không thể tìm được chuỗi cung ứng nào tốt như Trung Quốc

Dù vô số những lời kêu gọi dịch chuyển sản xuất tràn lan trên truyền thông, hay những tuyên bố căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, giao thương giữa 2 nền kinh tế vẫn phát triển.

Tàu hàng container cập cảng nước sâu ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images

Tàu hàng container cập cảng nước sâu ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images

Không thể bỏ thị trường Trung Quốc

Trong năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu 537 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 539 tỷ USD của năm 2018.

Riêng về mảng may mặc, số liệu của Bộ thương mại Mỹ cho thấy Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ với hơn 10 tỷ đơn vị sản phẩm trong năm ngoái.

Hàng loạt những thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như Levi, Nike, North Face đều nhập hàng thuê ngoài từ Trung Quốc.

Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc hiện vẫn đang là nguồn cung số 1 của Mỹ cho mảng đồ gia dụng, giường, đèn ngủ, đồ chơi, đồ thể thao.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc lớn đến mức nhiều công ty Mỹ đã dịch chuyển sản xuất khỏi thị trường này nhưng rồi lại trở về, hoặc ít nhất chuyển một phần hoạt động trở lại vì chẳng tìm thấy lựa chọn tốt hơn.

Hãng sản xuất da giày, phụ kiện Steven Madden Ltd của Mỹ đã dịch chuyển một nửa hoạt động sản xuất túi ra khỏi Trung Quốc để đến Campuchia trong những năm gần đây nhằm tận dụng ưu đãi thuế xuất khẩu vào Mỹ cũng như đa dạng hóa rủi ro cung ứng.

Thế nhưng khi những ưu đãi thuế này hết hạn vào năm 2020 và Nghị viện Mỹ không gia hạn chương trình này nữa, CEO Ed Rosenfeld của Madden đã phải thừa nhận rằng họ buộc phải dịch chuyển một phần sản xuất túi trở lại Trung Quốc.

Hãng sản xuất thiết bị chăm sóc da mặt Pretika Corp cho biết họ đã dịch chuyển sản xuất một số sản phẩm từ Trung Quốc sang Malaysia. Thế nhưng những linh kiện như ắc quy, động cơ cùng một số bộ phận khác vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Hậu quả, chi phí sản xuất bị đội lên khi hãng phải tốn tiền vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc sang.

Vì thế, dù Mỹ chắc chắn sẽ dùng hàng rào thuế quan để giảm phụ thuộc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng sự bất nhất trong các giải pháp đưa ra đang khiến nhiều doanh nghiệp không nỡ rời bỏ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, khi chuỗi cung ứng nơi đây quá hoàn thiện.

Bởi lẽ, sự bất nhất trên dẫn tới hậu quả các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc thường lại phải hợp tác với một nhà cung ứng đến từ Trung Quốc trên thị trường mới, hoặc phải nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ cường quốc châu Á.

Đã có nhận định cho rằng dù Mỹ có cấm cản nguyên liệu từ Trung Quốc đến đâu đi chăng nữa cũng khó xác định được chúng đến từ đâu, trong khi nguồn nguyên liệu thay thế chẳng có sẵn.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phải cay đắng thừa nhận không thể tìm được chuỗi cung ứng thay thế nào khác ngoài Trung Quốc.

"Chỉ có thể là Trung Quốc" - Lời ngậm ngùi cay đắng của các hãng thời trang Mỹ khi không thể tìm được chuỗi cung ứng nào khác thay thế, thừa nhận mọi thứ ở đất nước tỷ dân đều quá tốt.

Nhiều công ty Mỹ khởi sắc

Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm Covid-19 vào tháng 12-2022, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,5% trong quý đầu tiên của năm 2023. Sự phục hồi này của Trung Quốc đã giúp nhiều công ty của Mỹ ở Trung Quốc thúc đẩy doanh số bán hàng tổng thể của họ.

Các công ty của Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc như Procter&Gamble, Starbucks và MGM Resorts International, cho biết nhu cầu ở Trung Quốc đang quay trở lại, thúc đẩy doanh số bán hàng của họ vào thời điểm nhiều người tiêu dùng Mỹ đang “thắt lưng buộc bụng”.

Cụ thể, Starbucks đã có báo cáo doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng ở Trung Quốc tăng 3% trong quý gần nhất, đảo ngược đà sụt giảm của họ.

Yum China, nhà nhượng quyền chính của Yum Brands (chủ sở hữu các thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng như KFC hay Pizza Hut) tại Trung Quốc, cũng cho biết doanh số bán tại cùng cửa hàng của họ đã tăng 8% trong quý đầu tiên.

Đặc biệt, sau 3 năm bị “ghìm chân” bởi đại dịch, người tiêu dùng Trung Quốc đang đi du lịch trở lại, họ lũ lượt đến thăm các công viên giải trí và sòng bạc.

Độ chịu chi của người dân sống tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào du lịch và giải trí đã giúp một loạt công ty Mỹ kiếm được nhiều tiền kể từ đầu năm 2023.

Disney cho biết kết quả tài chính được cải thiện tại các khu nghỉ dưỡng ở Thượng Hải và Hồng Kông.

Giám đốc tài chính Christine McCarthy của Disney nói: “Chúng tôi thực sự hài lòng với doanh thu kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ kiểm soát đại dịch”.

Macao, trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới cũng đã ghi nhận sự hồi sinh của khách du lịch, sau khi các yêu cầu kiểm tra đối với khách du lịch nội địa từ đại lục, Hồng Kông và Đài Loan bị bãi bỏ.

Đầu tháng 5, gã khổng lồ sòng bạc đã báo cáo lợi nhuận quay trở lại nhanh chóng. Theo đó, trong quý I các tài sản của công ty này ở Trung Quốc đã tạo ra thu nhập được điều chỉnh 169 triệu USD, tương đương 88% thu nhập 4 năm trước đó.

Airbnb cũng cho biết, mảng kinh doanh tại châu Á - Thái Bình Dương của công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng theo năm cao nhất đối với số lượng đặt phòng ở qua đêm và trải nghiệm hoạt động tại địa phương.

Về lĩnh vực bán lẻ, SK-II, thương hiệu sản phẩm chăm sóc da cao cấp thuộc sở hữu của Procter & Gamble (P&G), đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng trở lại tại Trung Quốc.

Theo đó, trong quý I doanh thu của P&G tại Trung Quốc tăng 2% so với cùng kỳ 2022. Công ty hy vọng khi hoạt động đi lại của người tiêu dùng Trung Quốc tăng lên, doanh thu sẽ phục hồi hơn nữa.

Trong khi đó, ông Scott Roe, Giám đốc Tài chính của Tapestry - công ty mẹ của các thương hiệu thời trang cao cấp Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman, cho biết công ty đã bắt đầu nhận thấy lượng khách du lịch nội địa Trung Quốc tăng lên, bao gồm cả ở Hồng Kông và Macau.

H.N (tổng hợp)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-my-thua-nhan-khong-the-tim-duoc-chuoi-cung-ung-nao-tot-nhu-trung-quoc-post104699.html