Doanh nghiệp Mỹ tìm cách chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng

Các công ty Mỹ đang tìm cách để dồn bớt chi phí sang cho người tiêu dùng. Nhưng thay vì trực tiếp tăng giá bán, họ giảm kích thước gói hàng hoặc bổ sung phụ phí.

Theo Wall Street Journal, Lethal Entertain You Enterprises Inc. - một chuỗi nhà hàng ở Chicago - đã thêm 3% "phí chế biến" tại nhiều nhà hàng. Năm ngoái, nhà sản xuất xe máy Harley - Davidson Inc. tăng giá xe máy để bù đắp chi phí vật liệu ngày càng tăng.

Các công ty Mỹ đang tìm mọi cách để dồn chi phí sang cho người dùng. Hôm 10/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng đã tăng 7,5% trong tháng 1 so với một năm trước đó. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982.

Đó là nguyên nhân khiến người tiêu dùng có thể chứng kiến kích thước của gói hàng giảm hoặc một số khoản phí kèm theo.

 Công ty Milwaukee cho biết giá cơ sở của xe máy Harley - Davidson không tăng nhiều trong những năm gần đây. Nhưng hãng đã thêm một khoản phụ phí vật liệu bắt buộc vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Công ty Milwaukee cho biết giá cơ sở của xe máy Harley - Davidson không tăng nhiều trong những năm gần đây. Nhưng hãng đã thêm một khoản phụ phí vật liệu bắt buộc vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Giá cả leo thang

Với những thách thức trong chuỗi cung ứng, nhu cầu bị dồn nén suốt khoảng thời gian phong tỏa, thị trường lao động thu hẹp dẫn tới lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp đang tìm cách đối phó với chi phí tăng vọt.

Vài tháng qua, những cửa hàng tạp hóa Mỹ phải chật vật lấp đầy các kệ hàng. Nguyên nhân là tình trạng chậm trễ trong chuỗi cung ứng và thiếu hụt nhân viên. Thời tiết khắc nghiệt cũng giáng thêm đòn vào thị trường Mỹ.

Theo giáo sư Miguel Gomez, Robert G. Tobin tại Trường Kinh tế Ứng dụng Dyson của Đại học Cornell, thời tiết khắc nghiệt sẽ thúc đẩy người tiêu dùng tích trữ hàng hóa, từ đó khiến tình trạng thiếu hụt càng trở nên trầm trọng, đẩy giá cả leo cao.

Rất nhiều vấn đề vẫn đang ở phía trước. Ngành công nghiệp đang tìm cách giải quyết tình trạng chi phí tăng còn, đồng thời không gây khó khăn cho người tiêu dùng

Ông Doug Baker, Trưởng bộ phận Quan hệ ngành của FMI

Trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, thay vì tăng giá, các công ty tìm cách giảm khối lượng món hàng. Đó cũng là cách mà ngành công nghiệp này sử dụng trong những giai đoạn khó khăn như cuộc suy thoái 2007-2009.

"Rất nhiều vấn đề vẫn đang ở phía trước", ông Doug Baker, Trưởng bộ phận Quan hệ ngành của FMI - một tổ chức thương mại công nghiệp thực phẩm - bình luận.

"Ngành công nghiệp đang tìm cách giải quyết tình trạng chi phí tăng còn, đồng thời không gây khó khăn cho người tiêu dùng", ông nói thêm.

Tình trạng khan hiếm chip làm giảm nguồn cung xe. Trong khi đó, nhu cầu tăng cao đã đẩy giá vọt lên mức kỷ lục.

Theo ông Tom McParland - nhà sáng lập Automatch Consulting, các nhà bán lẻ đã cộng hàng nghìn USD "phí điều chỉnh thị trường" vào giá bán lẻ do nhà sản xuất đề xuất.

Công ty Milwaukee cho biết giá cơ sở của xe máy Harley-Davidson không tăng nhiều trong những năm gần đây. Nhưng để bù đắp chi phí gia tăng, hãng đã thêm một khoản phụ phí vật liệu bắt buộc vào năm ngoái.

Khoản phụ phí này sẽ được các đại lý bán xe chuyển sang cho khách hàng.

Các đại lý cho biết mức phí rơi vào khoảng 850-1.500 USD/chiếc xe. Tuần này, Harley tiết lộ những khoản phụ phí đã thúc đẩy doanh thu trong quý IV/2021.

Dồn chi phí sang cho người dùng

Một số nhà hàng cũng bổ sung những khoản phí mới để đối phó với chi phí thực phẩm, bao bì và tiền lương leo thang.

Khi ông Michael Pfeifer - một chuyên gia tiếp thị - thanh toán cho bữa ăn tại RPM Seafood (Chicago), ông rất ngạc nhiên khi thấy khoản phụ phí Covid-19 là 3% được thêm vào hóa đơn.

Ông RJ Melman - Chủ tịch của Lethal Entertain You, công ty sở hữu RPM - cho biết khoản phụ phí sẽ bù đắp cho những quy định và yêu cầu liên quan đến đại dịch từ phía chính phủ.

Disney World của Walt Disney Co. ở Orlando đã ngừng cung cấp dịch vụ đưa đón sân bay miễn phí trong năm nay. Khách hàng của Disney giờ phải tự trả tiền đi lại. Giá vé vẫn được giữ nguyên, nhưng công viên bổ sung một số khoản phí vào năm ngoái.

Theo Giám đốc tài chính Disney Christine McCarthy, tại các nhà hàng trong công viên giải trí của mình, Disney đang cố gắng tránh tăng giá trên diện rộng.

“Chúng tôi có thể thay thế các sản phẩm. Chúng tôi có thể cắt giảm khẩu phần ăn, điều này tốt cho vòng eo của một số người", bà McCarthy nói. “Nhưng chúng tôi sẽ không tăng giá hàng loạt", bà nói thêm.

 Disney World đã bổ sung một số khoản phí thay vì tăng giá vé. Ảnh: Bloomberg.

Disney World đã bổ sung một số khoản phí thay vì tăng giá vé. Ảnh: Bloomberg.

Áp lực từ phía người tiêu dùng đã khiến một số công ty phải giảm những khoản phí bổ sung. Ông John Fiorello, một ông bố 4 con ở Torrington (bang Connecticut, Mỹ), rất thất vọng khi thấy giá tại các cửa hàng tạp hóa địa phương tăng cao.

Ông từng rất vui khi thấy giá pho mát không tăng nhiều. Nhưng sau đó, ông Fiorello nhận ra gói pho mát mà ông thường mua giờ đã bị thu nhỏ lại.

Theo ông Burt Flickinger III - Giám đốc điều hành của Strategic Resource Group, công ty tư vấn chuyên làm việc với các công ty sản phẩm tiêu dùng, trong nhiều năm, những hộp cá ngừ dần chứa ít cá ngừ hơn, giấy vệ sinh cuộn ít giấy hơn.

"Chúng được gọi là cách đóng hàng gian lận", ông bình luận. "Các công ty đang ngày càng trở nên tinh vi hơn và sử dụng nhiều chiến thuật để bảo vệ lợi nhuận của mình", vị giám đốc nói thêm.

"Họ có thể ngừng các chương trình giảm giá, không sản xuất những sản phẩm giá rẻ và tạo ra các sản phẩm mới bán được với giá cao hơn", ông Burt Flickinger III chia sẻ.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-my-tim-cach-chuyen-chi-phi-sang-cho-nguoi-tieu-dung-post1296085.html