Doanh nghiệp né rủi ro thị trường xuất khẩu

Với kinh nghiệm từ vài năm trước, doanh nghiệp đã tìm nhiều cửa thoát hiểm khác nhau cho đầu ra sản phẩm.

Sản xuất tại một trong những công ty thành viên của PAN Group

Sản xuất tại một trong những công ty thành viên của PAN Group

Bẻ lái sang thị trường khác

Tập đoàn PAN (PAN Group) có hoạt động kinh doanh trải rộng trên 3 mảng nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm. Trong đó, khoảng 45% doanh thu đến từ xuất khẩu, đa phần vào Mỹ, Nhật, châu Âu.

PAN Group vừa trải qua một năm kinh doanh ấn tượng với các nhà đầu tư. Doanh thu thuần hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 1.047 và 537 tỷ đồng, đều tăng 28% so với năm 2023.

Mỗi mảng kinh doanh đều có sự đóng góp nhất định vào thành quả chung. Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể đến các mảng nông dược - khử trùng, bánh kẹo, cá tra, hạt và trái cây sấy, chế phẩm sinh học đều tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.

Thời gian tới, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường nhằm lường trước rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn.

Có được kết quả đó là nhờ nhiều yếu tố. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của từng thị trường, thì việc nhanh lẹ xoay chuyển, đa dạng thị trường là một trong những việc mà tập đoàn này thực hiện khá chắc.

Theo bà Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn, về thị trường, PAN đã nhìn trước được những khó khăn về chính sách thuế của Mỹ, nên phải đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro.

“Chúng tôi vươn đến những thị trường khác, không tập trung vào Mỹ. Việc này đã được chỉ đạo từ những cuộc họp CEO Summit của Tập đoàn từ cách đây vài năm”, bà My cho hay.

Và khi mở rộng thị trường, kể cả những hàng rào công nghệ, chất lượng rất lớn, nhưng PAN đáp ứng được ngay vì đã có những thế mạnh về ESG, về câu chuyện xanh để xuất khẩu sang những thị trường đó. Tất nhiên, Mỹ là thị trường quen thuộc, nhưng phải tự đặt ra thách thức với việc mở rộng đến những thị trường khó tính.

Không chỉ vậy, Tập đoàn còn đang nghiên cứu việc tăng sản phẩm chế biến sâu, sử dụng thế mạnh từ những sản vật trái cây, củ quả của Việt Nam để đưa vào các sản phẩm bánh kẹo, thủy sản, tạo ra những sản phẩm tiện lợi, ăn liền.

Bà My tiết lộ, hiện Trung Quốc là thị trường khó tính mà PAN dồn lực chinh phục, bởi thị trường này đã đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn trước nhiều. Bà My cho rằng, đó là hướng tích cực. Bánh kẹo của PAN đã xuất khẩu được vào hệ thống Walmart Trung Quốc.

Có thể nói, năm 2024, ngành hàng tôm phải vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh căng thẳng từ các nước khác như Ấn Độ, Ecuador,

Indonesia. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ lại liên tục có những rào cản thuế quan, như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Những yếu tố này đã gây khó khăn cho xuất khẩu tôm.

Theo ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngành hàng tôm vẫn bấp bênh, thiếu bền vững. Năm 2025, chế biến và xuất khẩu tôm sẽ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, tôm thương phẩm có rất ít, thu hoạch tôm thương phẩm giảm mạnh, sớm hơn khoảng 2 tháng so bình thường, khiến giá tôm tăng mạnh.

Theo ông Lực, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Trung Quốc tập trung bán tôm sú nguyên con cỡ lớn, tôm sống luộc. Đây là những mặt hàng người Trung Quốc yêu chuộng và ít đối thủ cạnh tranh.

Theo VASEP, một tín hiệu cực kỳ lạc quan đối với ngành hàng tôm xuất khẩu vào Trung Quốc là sản phẩm tôm Việt Nam hiện nay có giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này phản ánh, thị trường Trung Quốc nhận thức và đánh giá chất lượng tôm Việt Nam cao hơn so với hàng từ các nước khác.

Với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi chế biến cầu kỳ, mẫu mã đẹp, phù hợp với lợi thế lao động chế biến của Việt Nam. Đối với thị trường EU, cần phát triển dòng sản phẩm chế biến, bởi tôm tươi Ecuador đang chiếm thị phần hàng đầu ở đây.

Riêng với thị trường Trung Đông, theo VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang khu vực này đạt hơn 360 triệu USD trong năm 2024, nằm trong Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản có tăng trưởng mạnh nhất, sau Trung Quốc.

Trong khi đó, đối với ngành hàng da giày và dệt may, thời gian qua, ngoài những thị trường chính yếu như Mỹ, EU, Trung Quốc, thì ngành hàng chủ lực này đã cố gắng mở rộng sang thị trường Nam Mỹ và Trung Đông. Thời gian tới, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường nhằm lường trước rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn.

Tìm sự cân bằng

Việc đa dạng hóa, ứng phó nhanh không hề dễ dàng với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mỏng, có giá trị đơn hàng xuất khẩu không lớn.

Theo ông Đinh Gia Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty chủ động phát triển thêm các thị trường mới như Trung Đông, Trung Quốc, để tạo sự cân bằng trong phát triển. Một số thị trường xuất khẩu lương thực truyền thống gặp khó trong canh tác vì biến đổi khí hậu, nên mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa Việt Nam.

Việc đa dạng hóa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp xuất khẩu sang các thị trường mới như các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng mạnh. Tỷ lệ tận dụng FTA ở các mặt hàng chế biến - chế tạo tăng đột biến, như linh kiện điện tử (trên 30%), dệt may, da giày (trên 20%).

Những mặt hàng trên cho thấy, chuỗi cung ứng trước đây mong muốn hình thành ở Việt Nam để sản xuất các mặt hàng đã bắt đầu định hình. Những doanh nghiệp đó đã đủ tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ để tận dụng các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), doanh nghiệp Việt Nam có sức bật mạnh trước những thách thức, áp lực. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tự đi bằng đôi chân của mình, phải nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các thị trường, chủ động nắm bắt yêu cầu của các thị trường đó.

Mặc dù nhập khẩu hàng hóa giảm ở các thị trường truyền thống, nhưng tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu vẫn duy trì và tăng nhẹ, nghĩa là nhu cầu với hàng hóa Việt Nam vẫn tốt. Điều này cho thấy, khó khăn đan xen, nhưng không phải không có cơ hội nếu doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản trong dài hạn để sẵn sàng khai phá nhiều thị trường mới.

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-ne-rui-ro-thi-truong-xuat-khau-d241111.html