Doanh nghiệp ngành Công Thương tìm giải pháp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu

Cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại COP26 đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về mục tiêu phát triển bền vững.

Doanh nghiệp chủ động

Là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, song ngành hóa chất cũng đang phải đối diện với những thách thức từ mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thời gian qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu này.

Tọa đàm Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/10

Tọa đàm Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/10

Chia sẻ tại Tọa đàm Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Đạt - Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, thời gian qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Tập đoàn ưu tiên phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất. Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn đã lồng ghép các nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các quy định.

Ứng dụng năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp bảo vệ môi trường thiết thực

Ứng dụng năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp bảo vệ môi trường thiết thực

Đối với hoạt động chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Tập đoàn đã triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời). Hiện nay đã triển khai dự án điện mặt trời tại Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng. Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình đang triển khai thực hiện dự án điện áp mái, các đơn vị thành viên vẫn đang tiếp tục khảo sát đánh giá khả năng đầu tư điện mặt trời trên mái, sẽ triển khai đầu tư khi khả thi và hiệu quả. Ngoài ra, một số đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (nhiên liệu xanh) từ phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi trấu, củi mùn cưa để làm nhiên liệu vận hành nồi hơi phục vụ sản xuất trong công nghiệp.

Về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, tài nguyên, Tập đoàn đã trao đổi, làm việc với các tổ chức khoa học công nghệ trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chế biến quặng apatit loại II có hàm lượng thấp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên; hàng năm triển khai xây dựng chỉ tiêu, tiêu hao, quản lý giám sát hiệu chỉnh cho năm kế tiếp để phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế, nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu, tài nguyên, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện định mức tiêu hao tại các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn.

“Nhằm triển khai các giải pháp thu hồi và lưu giữ carbon, hiện nay, các đơn vị thành viên có phát sinh lượng khí nhà kính lớn (Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân Đạm & Hóa chất Hà Bắc) đã đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2 (dạng rắn, lỏng) phục vụ cho các ngành công nghiệp khác” - ông Nguyễn Văn Đạt thông tin.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là một trong những đơn vị ngành Công Thương đã và đang triển khai mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) nhận định, xu thế hàng hóa hay dịch vụ carbon thấp là không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp cũng đã nhìn nhận đây là cơ hội rất lớn, dành cho những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi.

"Khi đầu tư thì doanh nghiệp sẽ đi đúng theo xu thế chung của toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn như là EU hoặc Mỹ khi toàn thế giới đang thực hiện rất nhiều các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, để giảm dấu vết carbon thì rõ ràng là tất cả những thành tố trong đó cũng phải thực hiện đồng loạt theo", ông Hoàng Văn Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tâm, bên cạnh cơ hội cũng là những thách thức về vốn đầu tư và công nghệ, bởi khi muốn giảm được dấu vết carbon thì rõ ràng phải đầu tư cả giải pháp về công nghệ, chuyển đổi năng lượng, chuyển từ những nguồn năng lượng phát thải lớn khí nhà kính như nguồn năng lượng có nguồn gốc từ hóa thạch chuyển sang năng lượng sạch.

"Rõ ràng chi phí đầu tư sẽ cao hơn nhưng cơ hội sẽ nhiều hơn. Bởi vì khi chúng ta tiếp cận thị trường, là những doanh nghiệp tiên phong thì chúng ta sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và có một con đường đi rất thuận lợi", ông Tâm nhận định.

Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Tâm cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tuân thủ và thực hiện những biện pháp về giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, từ năm 2025, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính, trong đó dự kiến Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính vào tháng 11/2023. Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp thực hành tốt những quy định về kiểm soát phát thải khí nhà kính, tính toán được dấu vết carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Trong mục tiêu phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Để thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần dựa vào nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số…

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-cong-thuong-tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-281226.html