Doanh nghiệp ngành điều muốn mở rộng vùng nguyên liệu

Nước ta sản xuất điều lớn thứ 4 thế giới nhưng sản lượng điều mới chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành mong muốn được cơ quan quản lý hỗ trợ hợp tác, khai thác, phát triển mở rộng vùng nguyên liệu sang Campuchia và Nam Lào.

Xuất khẩu tăng trưởng, song vẫn nhiều rủi ro

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn về thị trường, song chế biến và xuất khẩu nhân điều vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc. Điều là một trong 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (đạt 3,63 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022), qua đó đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp với trên 53 tỷ USD.

Năm 2024, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,7 tỷ USD. Nguồn: ITN

Năm 2024, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,7 tỷ USD. Nguồn: ITN

Có được kết quả này là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong ngành cũng như các địa phương phát triển vùng điều, trong bối cảnh diện tích trồng điều tiếp tục thu hẹp. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng diện tích trồng điều của cả nước năm 2023 ước đạt 314.000ha, giảm 8.300ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích cho thu hoạch 300.000ha, với sản lượng thu hoạch đạt hơn 345.000 tấn hạt điều (tăng 3.500 tấn), năng suất bình quân đạt 1,15 tấn/ha (tăng 30kg/ha so với năm 2022).

Dù vậy, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), đằng sau sự tăng trưởng về lượng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy cơ. Theo đó, giá điều thô duy trì ở mức cao trong thời gian dài và giảm chậm, trong khi giá xuất khẩu trung bình của nhân điều là 5.582 USD/tấn nhưng là do loại hạt lớn, điều rang, chiên còn vỏ lụa có giá cao kéo lên còn với các loại phổ thông, hàng cấp dưới thì giá giảm sâu. Đơn cử như nhân điều sơ chế WW320, giá bán từ 2,6 - 2,7 USD/Lb FOB trước đây, đến cuối năm 2023 giá bán chỉ còn 2,3 - 2,4 USD/Lb, giá bán của nhóm nhà máy có BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm) và SMETA (trách nhiệm xã hội) cao hơn chút ít nhưng vẫn khó tiêu thụ. Giá điều thô nhập kho bình quân có giảm, chỉ còn khoảng 900 - 1.000 USD/tấn (chủ yếu là hàng nhập từ Tây Phi), nhưng giá điều nhân khi đó cũng giảm theo.

Cũng theo VINACAS, nhiều doanh nghiệp chế biến điều, đặc biệt là những doanh nghiệp chế biến có đầu tư bài bản sẽ khó đạt được lợi nhuận mong đợi và thậm chí là khó có lãi do chi phí đầu tư lớn nhằm đạt và duy trì các tiêu chuẩn BRC, SMETA… Một số doanh nghiệp dù đã hợp lý hóa sản xuất đến mức tối đa nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả vì tiền lãi ngân hàng của những hợp đồng tín dụng trước đó rất cao và chi phí sản xuất còn lớn.

Hiện, Việt Nam chịu sự cạnh tranh bán hàng với các doanh nghiệp chế biến điều tại châu Phi; một số nhà môi giới cho biết nhân điều châu Phi đang được bán với giá cao hơn so với nhân điều Việt Nam nhưng nhu cầu vẫn gia tăng vì lý do là chất lượng của họ đã tốt và ổn định hơn do có nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, ngày có nhiều hơn những doanh nghiệp chế biến lớn và hiện đại đầu tư vào châu Phi, VINACAS thông tin.

Tuân thủ triệt để quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm

Trong năm 2024, ngành điều phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt 3,7 tỷ USD; sản lượng điều trong nước đạt 372.000 tấn, qua đó đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 54 - 55 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, VINACAS lưu ý các doanh nghiệp, nhu cầu điều nhân năm 2024 ở Mỹ, châu Âu có thể tăng từ 2 - 3%. Hiện nay, lượng điều nhân trong kho của các nhà nhập khẩu lớn được duy trì ở mức hợp lý. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2023, lượng nhân điều nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh, có thể sẽ tạo nên lượng tồn kho lớn tại thị trường này, dẫn đến khả năng hấp thụ của thị trường Trung Quốc sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2024 nếu không có những tín hiệu tích cực hơn từ nền kinh tế và tiêu dùng ở nước sở tại.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, lãi suất ngân hàng đã giảm tương đối và những khoản vay mới trong năm 2024 sẽ có lãi suất thấp hơn năm 2023 nên dự báo hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khả quan hơn. Giá điều thô và nhân dự báo khó tăng do cung vượt xa cầu. Sản lượng điều thô toàn cầu tiếp tục tăng do liên tục mở rộng diện tích, đặc biệt ở châu Phi và Campuchia.

Chất lượng và an toàn thực phẩm vẫn là đòi hỏi và yêu cầu hàng đầu, khi ngày càng có nhiều rào cản về chính sách và quy định kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu vào các thị trường tiêu thụ. “Việc này đòi hỏi các nhà chế biến cần tuân thủ triệt để quy định và quy trình, kiểm soát tốt toàn bộ quy trình nhập khẩu, bảo quản nguyên liệu, chế biến, đóng gói, lưu kho và xuất khẩu nhân điều… nhằm giảm thiểu việc bị trả lại hàng, gây tổn thất cho doanh nghiệp và thương hiệu của ngành hàng”, Chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công lưu ý các doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước, lãnh đạo VINACAS đề xuất, các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức các buổi giao ban, làm việc định kỳ với hiệp hội ngành hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ngành điều, đặc biệt là về cho vay tín dụng, các chính sách thuế và hải quan, môi trường, đất đai, hạ tầng, phòng cháy chữa cháy, giảm thiểu các rào cản thương mại và đầu tư đối với hạt điều.

Bộ Công thương cần tiếp tục hỗ trợ VINACAS triển khai các chương trình cấp Quốc gia xúc tiến thương mại cho sản phẩm, ngành hàng, trong đó có Hội nghị Điều quốc tế tổ chức vào cuối tháng 2.2024 tại Quảng Bình, góp phần xúc tiến xuất khẩu và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của ngành điều Việt Nam trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời cócác chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp, cải tiến công nghệ, thiết bị, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế như BRC, Smeta, HCCP…

Hiện, Việt Nam là nước sản xuất điều lớn thứ 4 trên thế giới, sau Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Campuchia. Tuy vậy, sản lượng điều của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến. Năm 2023, toàn ngành nhập khẩu số lượng kỷ lục 2,9 triệu tấn điều thô từ nước ngoài (chưa bao gồm số liệu nhập khẩu điều nhân còn vỏ lụa và nhân trắng), theo ước tính của VINACAS. Do đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp phát triển bền vững ngành trồng điều của Việt Nam gồm giống, kỹ thuật, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền. “Trong điều kiện khó gia tăng diện tích, đề nghị giải pháp hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt cho nước bạn”, Chủ tịch VINACAS đề nghị.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-nganh-dieu-muon-mo-rong-vung-nguyen-lieu-i358180/