Doanh nghiệp ngành may 'khát' lao động
Đơn hàng đã có trở lại nhưng các doanh nghiệp may xuất khẩu không thể hoạt động hết công suất do thiếu lao động. Để tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã phải hạ thấp yêu cầu, sẵn sàng tuyển cả lao động không có tay nghề để vừa sản xuất vừa đào tạo.
Bỏ trống xưởng vì thiếu lao động
Xưởng sản xuất số 1, Công ty TNHH Seshin VN2, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) đã phải thu hẹp dây chuyền sản xuất do thiếu lao động. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty buồn rầu chia sẻ, xưởng có 8 chuyền may, hiện tại chỉ hoạt động 7 chuyền, 1 chuyền “treo” vì không có lao động làm. Đó là xưởng số 1, còn tại xưởng số 2 với diện tích hàng trăm mét vuông phải chuyển thành kho chứa cũng vì không có lao động làm việc.
Không tuyển dụng được lao động vào làm việc, công ty khó chủ động trong kế hoạch sản xuất. Ông Khánh dẫn chứng, quý I vừa qua, để hoàn thành 800 nghìn sản phẩm theo đơn đặt hàng của đối tác, công ty đã phải thuê doanh nghiệp cùng ngành nghề ở một số tỉnh lân cận gia công hơn 30 nghìn sản phẩm mới kịp thời gian giao hàng. Từ nay đến cuối năm số lượng đơn hàng lớn, cần khoảng 2.000 lao động, nhưng số lượng lao động hiện tại của công ty mới có 1.480 người, còn thiếu khoảng 550 người.
Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cũng đang trong tình trạng “khát” lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Tại nhà máy 1, với quy mô 2.000 lao động nhưng hiện nay chỉ lấp đầy được 50%, còn lại máy móc nhà xưởng vẫn phải để trống do không tuyển dụng được lao động vào làm việc.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, đơn hàng dồi dào, song tìm kiếm lực lượng lao động làm việc lại vô cùng khó khăn. Công ty cũng đã cử cán bộ nhân sự về các địa phương để tăng cường thông tin, tổ chức tuyển dụng, chấp nhận tuyển dụng cả lao động chưa có tay nghề để về vừa đào tạo vừa sản xuất nhưng số lượng tuyển dụng cũng đạt ở mức rất thấp. Ông Nghĩa băn khoăn, cuối năm Nhà máy may Km 31 - Thái Sơn (Hàm Yên) của công ty đi vào hoạt động cần khoảng 4.000 lao động sẽ là rất khó cho doanh nghiệp.
Phân tích từ các chuyên gia lao động việc làm, may mặc là một trong những ngành sử dụng số lao động lớn nhất và cũng là ngành chịu sự cạnh tranh rất lớn trong thu hút lao động với các ngành khác như điện, điện tử. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2022, nhiều doanh nghiệp may không có đơn hàng phải giãn, dừng sản xuất khiến lao động mất hoặc bỏ việc do thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng dồi dào, sản xuất đã sôi động trở lại thì doanh nghiệp lại không tuyển đủ lao động. Vì khi nghỉ việc người lao động đã tìm được công việc mới chưa kể nhiều dự án đi vào hoạt động đã hút đáng kể số lượng lao động.
Giải cơn “khát” lao động
Giải cơn “khát” lao động, đặc biệt là doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động thông qua cung cấp miễn phí các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm đến người lao động và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm của sở đã phối hợp với UBND xã Hùng Đức, Minh Hương (Hàm Yên) tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm, ít nhất 500 lao động đã được tư vấn, giới thiệu và ký kết các hợp đồng tuyển dụng. Dự tính sẽ có ít nhất 4 phiên giao dịch việc làm quy mô lớn được tổ chức ở các huyện, thành phố từ nay đến tháng 9, để giới thiệu cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động gửi thông tin, chỉ tiêu, tiêu chí lao động để Trung tâm dịch vụ việc làm đăng tải trên website, fanpage, nhóm mạng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho rằng, ổn định lao động việc làm, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp may xuất khẩu cần phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, trong đó quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người lao động là yếu tố hàng đầu giúp người lao động thấu hiểu và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seshin VN2 chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn về lao động, công ty luôn đảm bảo các chế độ, chính sách, duy trì các phúc lợi cho người lao động như tiền chuyên cần, tăng ca, xăng xe để giữ chân lao động. Riêng trong lĩnh vực tuyển dụng, công ty khuyến khích công nhân hãy trở thành những tư vấn viên giới thiệu việc làm, nếu giới thiệu được 1 người làm việc lâu dài sẽ được thưởng 500 nghìn đồng. Đối với người lao động mới tuyển dụng, chưa có tay nghề, công ty sẽ đào tạo kết hợp vừa học vừa làm đảm bảo có thu nhập. Ông Khánh hy vọng với cơ chế, chính sách mở của công ty sẽ thu hút được người lao động vào làm việc.
Những giải pháp đã và đang thực hiện, hy vọng sẽ mang lại tín hiệu tích cực, bởi ổn định lao động là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện tại ngành dệt may đang có cơ hội hồi phục sản xuất.