Doanh nghiệp ngành than cần làm gì để tồn tại?

Qua dự báo nhu cầu than của Việt Nam theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cho thấy nhu cầu than đến năm 2035 sẽ tăng cao, sau đó giảm dần và đến sau năm 2045 giảm hẳn, nhất là than cho sản xuất điện coi như gần bằng 0.

Tại Hội thảo Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050 đã đặt ra vấn đề là làm sao đáp ứng được nhu cầu than trong thời gian tới một cách hợp lý nhất đồng thời giải bài toán “tồn tại” của doanh nghiệp ngành than Việt Nam.

Nhu cầu than Việt Nam

Trên cơ sở tài nguyên và trữ lượng than, điều kiện địa chất và công nghệ khai thác các mỏ than, dự kiến khả năng khai thác than (nguyên khai) trong nước đến năm 2050 với mức sản lượng như sau (ngàn tấn): năm 2025: 46.529; 2030: 47.872; năm 2035: 42.526; năm 2040: 40.146; năm 2045: 38.708; năm 2050: 32.970. Qua đó cho thấy sản lượng than khai thác trong nước đến năm 2045 và sau đó được dự báo rất thấp so với nhu cầu.

Khai thác và sử dụng than đá phải tuân thủ theo cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam với thế giới.

Khai thác và sử dụng than đá phải tuân thủ theo cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam với thế giới.

Kế thừa kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, ngoài việc nỗ lực đáp ứng nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ trong nước, ngành than Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, sử dụng than theo hướng giảm phát thải, đảm bảo an toàn môi trường, góp phần phát triển ngành than bền vững.

Để đa dạng hóa nguồn than và nâng cao năng lực cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước, từ năm 2015 trở lại đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCTĐB) đã tiến hành tìm kiếm các nguồn than nhập khẩu có khả năng phối trộn với các loại than sản xuất trong nước để chế biến ra những loại than có thông số kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của các hộ tiêu thụ. Than nhập khẩu để phối trộn chủ yếu là các loại than antraxit, bán antraxit, than nhiệt năng chất bốc thấp. Nguồn than Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước Indonesia, Úc, Nga...; Ngoài ra, than cho luyện kim được nhập từ Trung Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất của các ngành kinh tế trong nước trong thời gian tới, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50-83 triệu tấn vào giai đoạn năm 2025-2035 và giảm dần còn khoảng 32-35 triệu tấn vào năm 2045.

Về nguyên tắc, nhu cầu than thời gian tới sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố, theo đó sẽ dao động trong một khoảng từ mức thấp nhất (min) đến mức cao nhất (max) cho mỗi năm và mỗi chu kỳ 5 năm. Để khỏa lấp được khoảng biến động nhu cầu than theo dự báo cần phải: Dự báo nhu cầu than theo 3 kịch bản: Kịch bản thấp (min), Kịch bản cao (max) và Kịch bản cơ sở (bằng trung bình của Kịch bản thấp và Kịch bản cao); Xây dựng các định hướng đáp ứng nhu cầu than theo 3 kịch bản đã nêu, trong đó Kịch bản cơ sở là chủ đạo để tổ chức thực hiện; Dự kiến các tình huống nhu cầu than tăng lên theo hướng Kịch bản cao, theo đó đề xuất các giải pháp đáp ứng theo trình tự ưu tiên từ mức tăng thấp đến mức tăng cao;

Dự kiến các tình huống nhu cầu than giảm theo hướng Kịch bản thấp (tối thiểu), theo đó đề xuất các giải pháp trì hoãn, giảm... theo trình tự ưu tiên từ mức giảm thấp đến mức giảm cao xuống đến Kịch bản thấp; Lập các nguồn than dự phòng để thay thế một số nguồn than đã đưa vào chiến lược khi các nguồn than này bị thiếu, bị đắt đỏ hơn hay bị dừng, tắc nghẽn…

Ngành than cần làm gì để tồn tại?

Theo PGS.TS. Nguyễn Cảnh Nam - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với bối cảnh biến đổi khí hậu và xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới, đặc biệt là cam kết của Chính phủ về phát thải khí nhà kính, việc các doanh nghiệp ngành Than phải lập lộ trình khai thác dần về không là tất yếu. Nhưng trong vòng 7 năm tới (không phải là 28 năm vì đến năm 2035 là phải bắt đầu giảm khai thác), các doanh nghiệp cần tập trung hóa sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ than; Tổ chức lại công tác kinh doanh than theo hướng chuỗi cung ứng than đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tiếp tục duy trì quyền sở hữu và chi phối của Nhà nước đối với các doanh nghiệp ngành than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành than cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về cả nguồn lực con người, khoa học công nghệ và cả cơ chế chính sách.

Ngành than cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về cả nguồn lực con người, khoa học công nghệ và cả cơ chế chính sách.

Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác điều tra, tìm kiếm cơ bản và thăm dò nguồn tài nguyên than; Hỗ trợ doanh nghiệp ngành than được vay vốn tín dụng Nhà nước và các nguồn vốn khác; Tăng cường thu hút vốn của các tổ chức trong và ngoài nước thông qua các hình thức thích hợp. Liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án khai thác than tại các khu vực mà ngành than còn chưa làm chủ được công nghệ; Đa dạng hóa đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành than. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm nguồn than để nhập khẩu theo hướng đa dạng hóa nguồn than, đảm bảo ổn định và giá cả hợp lý. Trong giai đoạn đến năm 2025 và 2030 tiếp tục nhập khẩu than từ các nước: Indonesia, Úc, Nga, Nam Phi.

Doanh nghiệp ngành than cũng cần đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn đáp ứng nhu cầu; Tăng cường hợp tác, liên doanh với nước ngoài trong đào tạo; Xây dựng và triển khai hệ thống đào tạo nâng cao cho công nhân viên dựa trên “phương pháp tình huống” nhằm đạt được năng lực sản xuất, công nghệ, tổ chức và quản lý, nghiên cứu, thiết kế và năng lực văn hóa.

Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến để cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa trong thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, pha trộn, sử dụng than, quản trị tài nguyên than, quản trị môi trường, quản lý kỹ thuật an toàn phù hợp với xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu giữ và sử dụng khí mỏ phát sinh trong quá trình khai thác mỏ hầm lò để hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ranh giới mỏ và tài nguyên khoáng sản; Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu công nghệ, tiêu chuẩn cơ sở, định mức.

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Nam nhấn mạnh, với nguyên tắc, cách thức xác định và đáp ứng nhu cầu than như vậy, sau này khi tổ chức triển khai thực hiện thì thường xuyên theo dõi diễn biến nhu cầu, theo đó chỉ đạo thực hiện các định hướng cung cấp và giải pháp đã đề xuất tương ứng.

Trong đó, cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến môi trường, khoáng sản, đất đai; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; thuế tài nguyên... đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, thông lệ quốc tế và xu thế phát triển đất nước trong tương lai.

Các địa phương có tài nguyên than ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị ngành than trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để thăm dò, khai thác (nhất là các khu vực có công trình trên mặt cần bảo vệ) để khai thác tận thu tài nguyên than. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài, tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu về Việt Nam phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

Huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, đầu tư để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than.

Có thể thấy rằng, trong vòng 10 năm tới than đá vẫn là nguồn nguyên liệu sơ cấp đặc biệt quan trọng đối với ngành năng lượng Việt Nam. Nhưng với xu thế bắt buộc giảm khai thác và sử dụng, thời gian dành cho các doanh nghiệp ngành than Việt Nam phát triển, khai thác tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên than đá của đất nước không còn nhiều. Cộng thêm việc duy trì và thể hiện vai trò doanh nghiệp nhà nước trong ngành than cần có sự hỗ trợ mạnh và đồng bộ bằng cả cơ chế lẫn tài chính của Nhà nước. Chỉ có như vậy mới phát huy tối đa năng lực của ngành than, đảm bảo ngành than có "điểm rơi phong độ" cao nhất vào đúng năm 2035 để tránh lãng phí tài nguyên và đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp quan trọng (than đá) trong phát triển năng lượng bền vững.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doanh-nghiep-nganh-than-can-lam-gi-de-ton-tai-690656.html