Doanh nghiệp nhà nước lo bị can thiệp quá sâu
Những điều khoản trong Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang dấy lên lo ngại về khả năng xuất hiện thêm quy trình, thủ tục làm khó hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Quản lý doanh nghiệp có bao nhiêu vốn nhà nước?
Doanh nghiệp nào sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngoài doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là đối tượng đương nhiên. Thế nào là vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước và vốn của chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Những khái niệm tưởng như đã được làm rõ tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) và Luật Doanh nghiệp (Luật 59/2020/QH14) lại đang được đặt ra đầu tiên và nhiều nhất trong các cuộc thảo luận liên tục trong 2 tháng qua, khi Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) được Bộ Tài chính công bố và lấy ý kiến rộng rãi.
Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) buộc phải đặt lại câu hỏi mục tiêu của Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là gì.
“Chúng ta trăn trở mãi là doanh nghiệp nhà nước nắm nhiều vốn, nhưng lại không tạo ra giá trị thặng dư nhiều như khối doanh nghiệp tư nhân, nên đặt mục tiêu là phải thúc đẩy, đột phá, cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu Luật lại bó lại thì sẽ không đúng mục tiêu, thậm chí giữa quan điểm xây dựng Luật và hành động đang vênh nhau”, ông Nam thẳng thắn.
Lý do của những lấn cấn này là Dự thảo đang đưa 2 phương án về đối tượng.
Một là, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp cấp 1 - F1) và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (doanh nghiệp cấp 2 - F2).
Hai là, doanh nghiệp F1 và doanh nghiệp F2 có trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp F1 có 100% vốn nhà nước.
Phương án chọn của Bộ Tài chính bao gồm cả F1 và F2, với cơ sở là đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp…
Như vậy, so với Luật 69 hiện hành, đối tượng đã mở rộng khi không giới hạn tỷ lệ vốn góp của Nhà nước, tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp cấp 1. Thậm chí, bà Vũ Thị Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, phương án này rộng hơn phương án mà Bộ Tài chính đã trình Thường trực Chính phủ vào ngày 15/3/2024 (chỉ áp dụng với doanh nghiệp cấp 1 và doanh nghiệp cấp 2 có vốn đầu tư trên 50% của doanh nghiệp cấp 1)…
Cùng với đó, nhiều quy định tại Dự thảo Luật đang được thiết kế theo hướng bổ sung thủ tục so với quy định tại Luật 69, như doanh nghiệp cấp 1 phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi cử đại diện phần vốn tại doanh nghiệp cấp 2; phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn tại doanh nghiệp cấp 2; phải thực hiện lập, đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như với doanh nghiệp cấp 1 với các dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng đến 20.000 tỷ đồng…
“Các điều khoản này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các đối tượng điều chỉnh của Luật, đặc biệt là doanh nghiệp cấp 2”, bà Nhung phân tích.
Vấn đề là, trừ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ vừa phải tuân thủ luật này, vừa phải tuân thủ các luật khác.
Có sự phân biệt không bình đẳng?
Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặt vấn đề, dường như các quy định trong Dự thảo Luật có hơi hướng áp dụng cho loại hình công ty TNHH một thành viên hơn.
“Nếu áp dụng nhiều quy định vào công ty cổ phần sẽ có sự xung đột. Vì vậy, ngay cả với doanh nghiệp cấp 1 (được định nghĩa là doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn), cũng phải làm rõ 2 nhóm: một là doanh nghiệp 100% vốn; hai là doanh nghiệp có sự tham gia của các cổ đông khác, vì sẽ cần hai cơ chế quản trị khác nhau”, ông Tùng phát hiện.
Đây cũng chính là mối lo lớn của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi tham gia góp ý Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vì mặc dù nguyên tắc của Dự thảo về quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp là “không quản lý doanh nghiệp, chỉ quản lý dòng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp” và “Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn theo đúng phần vốn được đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn” và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cấp 2”, song dường như các quy định cụ thể không thể hiện được nội dung này.
Trong văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã liệt kê một loạt quy định về quyền, trách nhiệm của pháp nhân doanh nghiệp trong các công tác cụ thể… Thêm nữa, EVN cũng không đồng tình với đề xuất bỏ Chương IV của Luật Doanh nghiệp về Doanh nghiệp nhà nước, thay bằng Chương VII về Quản trị doanh nghiệp của Dự thảo Luật. Một mặt, nội dung quy định tại Dự thảo chưa đầy đủ và toàn diện như quy định tại Luật Doanh nghiệp, như bỏ khái niệm doanh nghiệp nhà nước, chưa có quy định về tổ chức, quản lý đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; mặt khác, nhiều quy định chưa đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…
“Đề nghị giữ nguyên quy định tại Chương IV, Luật Doanh nghiệp và bỏ các quy định tương ứng về cơ cấu, quản lý doanh nghiệp tại Dự thảo, trường hợp cần thiết thì hiệu chỉnh quy định tượng ứng tại Luật Doanh nghiệp. Không quy định lại các hình thức đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước, thay vào đó là dẫn chiếu đến áp dụng quy định tại Luật Đầu tư…”, EVN kiến nghị.
Cũng phải nhắc lại, việc đưa doanh nghiệp nhà nước trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là một bước tiến để doanh nghiệp nhà nước thực sự được hoạt động là doanh nghiệp, tuân thủ theo thông lệ quốc tế về mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp. Điều này là cơ sở để thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thu hút sự tham gia của các cổ đông vào khu vực doanh nghiệp này.
Chính vì vậy, trong phần góp ý với Dự thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo trình bày rõ những quy định tương đồng và khác nhau giữa Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Luật Doanh nghiệp về cùng một nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm và các vấn đề khác liên quan đến Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty TNHH, Hội đồng Quản trị công ty cổ phần…
“Trường hợp có sự khác nhau thì cần có giải trình về cơ sở pháp lý”, ông Trung bày tỏ quan điểm. Thực tế, quy định như Dự thảo tạo sự phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp và chưa đảm bảo quyền và lợi ích của cổ đông ngoài nhà nước trong doanh nghiệp.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-lo-bi-can-thiep-qua-sau-d222522.html