Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị sớm ban hành luật về hội
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đề nghị sớm ban hành luật về hội (nói chung) để phát huy vai trò, vị trí của các hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong trường hợp chưa chín muồi thì xây dựng một đạo luật riêng về tổ chức và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp.
Phản ánh tới Quốc hội về những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết, đa số các DNNVV khó tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, bao gồm cả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ DNNVV. Vướng mắc chủ yếu là lãi suất cao, tài sản bảo đảm cho khoản vốn vay và tình trạng nợ đọng của doanh nghiệp.
Hiệp hội này kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay (nhất là với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), khoanh nợ hoặc giãn nợ đối với các dự án có tính khả thi; nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục hành chính khi cho vay vốn ưu đãi.
Doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ cho phép Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Hội doanh nghiệp/DNNVV địa phương được thành lập Quỹ Hỗ trợ DNNVV, nhằm đảm bảo để các DNNVV tiếp cận nhanh nhất và nhiều nhất với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.
Báo cáo về việc chuyển hộ kinh doanh sang doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ hiện triển khai chậm, Hiệp hội DNNVV cho biết, các nội dung hỗ trợ hộ chuyển sang doanh nghiệp chưa đủ lớn, chưa đủ hấp dẫn. Theo điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV (Số 04/2017/QH/2014 ngày 12/6/2017) và theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ Quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV, thì các hộ kinh doanh khi chuyển sang doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn thủ tục thành lập; đăng ký doanh nghiệp; công bố thông tin doanh nghiệp; tư vấn thủ tục hành chính thuế và các chế độ kế toán.
“Thực tế với bất cứ cá nhân nào khi đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng được hỗ trợ như vậy, hoặc phải nộp các loại phí và lệ phí cho các nội dung nêu trên thì chi phí cũng không đáng kể”, báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, thực tế vẫn đang tồn tại 2 “sân chơi” cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, mà theo Hiệp hội DNNVV là không bình đẳng, với phần thuận lợi nghiêng về phía các hộ sản xuất kinh doanh. Đơn cử, về quản lý thuế, trong khi doanh nghiệp phải chấp hành các chế độ báo cáo, chế độ kế toán, kê khai nộp thuế và chế độ thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan chức năng, thì hộ kinh doanh chỉ phải nộp thuế khoán, không phải kê khai báo cáo về tài chính, kế toán như doanh nghiệp và ít chịu sức ép tâm lý về công tác thanh tra, kiểm tra như doanh nghiệp.
Chính vì vậy, bên cạnh việc đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (mà Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã trình), Hiệp hội cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung Luật hỗ trợ DNNVV và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng tăng quyền lợi lớn hơn cho các hộ kinh doanh khi chuyển đổi, xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế, tăng cường hình thức nộp thuế điện tử để giảm thiểu tiêu cực…
Kiến nghị cuối của Hiệp hội này là đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật về hội (nói chung) để phát huy vai trò, vị trí của các hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện chín muồi thì có thể xây dựng một đạo luật riêng về tổ chức và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp.