Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn 'loay hoay' tiếp cận vốn

Dù không phải là câu chuyện mới, song thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay với bài toán tiếp cận vốn. Nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng vọt khiến việc tiếp cận đồng vốn càng trở nên xa vời.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút hơn 5,6 triệu lao động. Vai trò của nhóm doanh nghiệp này rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng hầu hết đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Gần 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó về vốn

Một báo cáo mang tên “Doanh nghiệp nhỏ, tăng trưởng lớn” của nền tảng ngân hàng đám mây do Mambu tiến hành mới đây cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn trong tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng của nhóm doanh nghiệp này.

Báo cáo đã khảo sát hơn 1.000 chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu, những người đã sáng lập công ty và yêu cầu vay kinh doanh trong 5 năm qua. Kết quả, 68% doanh nghiệp nhỏ và vừa được khảo sát đã không thể đảm bảo có đủ hoặc có bất kỳ khoản vay nào ít nhất một hoặc nhiều lần trong 5 năm qua.

Vai trò của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng hầu hết đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Vai trò của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng hầu hết đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Báo cáo cũng cho thấy sự phụ thuộc vào quan hệ cá nhân đã tăng 11% trên toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, trong khi khả năng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài ngày càng trở nên hạn hẹp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa .

Bất chấp sự bùng nổ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được thành lập trong hai năm qua, khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn là một rào cản bất biến, khi 32% trong số các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc đảm bảo lượng vốn khởi đầu. Con số này tăng lên 33% đối với số doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp khai trương.

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, cho biết thời gian qua, đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Năm 2020, số lượng này tăng gần 10%. Trong 2 tháng đầu năm 2022, đã có 32.700 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 51% so với cùng kỳ.

“Nguyên nhân chủ yếu vẫn là không có đủ vốn để tiếp tục kinh doanh. Trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng của nhóm doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một hình thức cho vay mới để lấp đầy khoảng trống tín dụng này”, ông Minh chia sẻ.

Trên thế giới, bất chấp sự bùng nổ của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa 2 năm qua, khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn là rào cản bất biến với nhóm này. Theo đó, gần 1/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn khởi đầu. Tính riêng tại Đông Nam Á, gần một nửa doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khảo sát của Mambu phải dựa vào bạn bè và gia đình của người sáng lập để vay vốn.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp không thể đảm bảo đủ nguồn vốn sản xuất kinh doanh, 40% doanh nghiệp đang gặp vấn đề về dòng tiền; 38% không thể tung ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới và 36% không thể thuê nhân công hiệu quả - một ảnh hưởng lớn trong bối cảnh đại khủng hoảng lao động do dịch Covid-19 gây ra.

Báo cáo của Mambu cũng tương đồng báo cáo của nhiều tổ chức ở Việt Nam gần đây. Theo kết quả khảo sát tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thực hiện cuối năm ngoái cho thấy, trong số 21.517 đơn vị tham gia, với hơn 93% là các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 3 tỷ đồng (chiếm gần 39%), và có doanh thu từ 3 - 200 tỷ đồng (chiếm 54%). Chỉ 16% trong số này có thể duy trì sản xuất, còn đa số phải dừng kinh doanh hoặc giải thể. Dòng tiền để các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động trên 6 tháng chỉ chiếm 17%.

Một thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng và số còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí rất cao.

Lý giải nguyên nhân, VCCI cho rằng, việc nợ xấu có xu hướng tăng lên khiến các ngân hàng phải thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng, thậm chí còn thắt chặt hơn, cho dù thanh khoản dư thừa. Với các doanh nghiệp, rào cản tiếp cận vốn ngân hàng tới từ tính minh bạch chưa cao, vòng đời kinh doanh ngắn và thiếu sự ổn định…, và đặc biệt là hạn chế về tài sản bảo đảm. Điều này khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định hiệu quả của phương án kinh doanh cũng như uy tín khách hàng trong quan hệ tín dụng - vốn là cơ sở để đưa ra quyết định cho vay.

Doanh nghiệp và ngân hàng cần "bắt tay" giảm thiểu rủi ro cung ứng vốn

Nói với Vnbusiness, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất cho biết, hai năm qua họ bị ảnh hưởng rất nặng nề của Covid-19, việc vay vốn càng trở nên khó khăn. Doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, việc tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn. Đáng lưu ý là doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn còn phiền hà, phức tạp.

“Đơn cử như với gói vay lãi suất 7% một năm, khi xét duyệt, ngân hàng có nhiều điều kiện như yêu cầu chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới... Những điều này rất khó đáp ứng khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp", vị giám đốc nói.

"68% doanh nghiệp nhỏ và vừa được khảo sát đã không thể đảm bảo có đủ hoặc có bất kỳ khoản vay nào ít nhất một hoặc nhiều lần trong 5 năm qua..."

Báo cáo “Doanh nghiệp nhỏ, tăng trưởng lớn” của Mambu.

Có lẽ câu chuyện như vị giám đốc trên trong hai năm qua không hiếm, nhưng nếu chỉ một mình doanh nghiệp loay hoay mà không có sự giúp đỡ của các bên, nhất là các ngân hàng để giảm thiểu rủi ro trong tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp này thì có lẽ sẽ khó có thể giải quyết được bài toán.

Có nhiều lý do để giải thích, nhưng chủ yếu là hai lý do. Thứ nhất, về phương án kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa thể đưa ra phương án kinh doanh khả thi, giảm thiểu rủi ro. Nhiều doanh nghiệp trước đây tập trung vào thị trường xuất khẩu, nhưng do dịch bệnh nên giao thương bị hạn chế, các doanh nghiệp phải chuyển sang tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, kinh doanh thu hẹp, đối tác bị hạn chế nên phương án kinh doanh của doanh nghiệp không đủ sức hấp dẫn cho ngân hàng giải ngân. Thứ hai, không ít doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm do đã mang ra vay nợ trong thời gian trước, nên gặp khó với các khoản vay mới.

TS. Mạc Quốc Anh -Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp còn đang bị định giá rẻ hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu như trước kia, doanh nghiệp vay vốn có thể được đối ứng 30-70 với ngân hàng, nghĩa là doanh nghiệp có tài sản đảm bảo đối ứng giá trị 30% khoản vay thì ngân hàng cho vay 70%, nhưng bây giờ khoản đối ứng đã lên 50-50, thậm chí xuống 70-30.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và ngân hàng luôn phải ngồi lại với nhau để có sự thấu hiểu, tạo điều kiện cho nhau, cùng nhau giảm rủi ro trong cung ứng vốn. Nếu trong bối cảnh kinh tế diễn biến bình thường, các doanh nghiệp đã không còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ thì điều kiện để được ngân hàng cho vay vẫn chưa thể đáp ứng được.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, đại dịch của Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khốn đốn. Trong giai đoạn này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì các chính sách về tín dụng có vai trò rất quan trọng.

“Bởi thông qua nguồn vốn đó có thể giúp doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ. Do đó, cần tiếp tục có những giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Thành nói.

Trà My

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/doanh-nghiep-nho-va-vua-van-loay-hoay-tiep-can-von-1084189.html