Doanh nghiệp niêm yết đi tìm động lực tăng trưởng mới
Tại đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp đề cập đến việc thực thi ESG như một nhu cầu tự thân, thay vì chạy theo xu hướng.
Nhu cầu tự thân
Khi nhận được câu hỏi Vinamilk có đưa những nội dung về ESG vào đại hội cổ đông thường niên năm nay không, ông Trần Chí Sơn, đại diện doanh nghiệp này cho biết, nội dung mới này đang được xem xét bởi Ban Thư ký. Trong quá trình soạn thảo tài liệu đại hội, Ban Thư ký sẽ trình Ban điều hành và Hội đồng quản trị để đưa ra quyết định cuối cùng.
Vấn đề phát triển bền vững của Vinamilk đã được Hội đồng quản trị phê duyệt. Ủy ban Chiến lược của Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát thực hiện các hoạt động phát triển bền vững của Công ty trong dài hạn.
“Với tư cách là thư ký Công ty, chúng tôi đang nghiên cứu cẩn thận về thẻ điểm ACGS và các quy định liên quan. Chúng tôi sẽ tư vấn Ban điều hành và Hội đồng quản trị trong thời gian sắp tới sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng’, ông Sơn nói và cho biết thêm, chiến lược của Công ty, bao gồm cả cam kết Net Zero và các chiến lược quan trọng khác đã được công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng. Cách thức đưa thông tin này vào các tài liệu đại hội cổ đông sẽ được doanh nghiệp xem xét để đảm bảo sự phù hợp.
Một doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG, khi áp dụng ESG, sẽ mở ra những cơ hội và đối mặt với những thách thức gì? Trả lời câu hỏi này, ông Đào Đức Thanh, Trưởng Tiểu ban Kiểm toán của TNG cho biết, từ năm 2016, Hội đồng quản trị Công ty đã chú trọng đến phát triển bền vững và TNG trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Doanh nghiệp về phát triển bền vững (VBCSD) từ năm này.
“Hội đồng quản trị TNG đã tạo ra một tiểu ban quản lý các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Từ đó đến nay, TNG không ngừng triển khai các hoạt động phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng. Tuy nhiên, một thách thức đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may như chúng tôi là việc đầu tư kinh phí vào các hệ thống, như hệ thống năng lượng mặt trời, xử lý nước thải, lọc không khí, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG hoặc giảm lượng khí thải từ lò hơi đốt than bằng cách chuyển sang lò hơi điện hoặc năng lượng sạch”, ông Thanh chia sẻ.
Với quy mô khoảng 20.000 lao động và 15 chi nhánh may tại nhiều địa bàn, TNG cần một lộ trình chi tiết để thực hiện các thay đổi này tại từng chi nhánh và đơn vị. Điều này đồng nghĩa với việc tổng mức đầu tư để chuyển đổi sang mô hình Net Zero rất lớn. TNG đang kỳ vọng sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước và tổ chức tín dụng để tài trợ cho việc chuyển đổi tiêu thụ năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
ESG trên thực tế không phải là xu hướng hình thức mà đã trở thành điều kiện bắt buộc trong nhiều lĩnh vực. Hiện EU đã buộc các nhà xuất khẩu vào thị trường này phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải. Nhiều nước châu Á bắt buộc doanh nghiệp thực hiện báo cáo bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Philippines đã yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG. Trung Quốc cũng dự kiến đưa ra chính sách tương tự đối với các công ty đại chúng trong thời gian tới. Không chỉ là quy định của các quốc gia, nhiều đối tác nước ngoài cũng xem ESG là một trong những yếu tố quan trọng để cân nhắc ký kết hợp tác.
“Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, ở cả quy mô lớn và nhỏ. Trong tương lai gần, việc công bố dữ liệu ESG trở nên quy củ hơn, giống như như báo cáo dữ liệu kế toán tài chính”, ông Benjamin Soh, người sáng lập và là Giám đốc điều hành STACS - công ty công nghệ và dữ liệu ESG có trụ sở chính tại Singapore - cho biết.
Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, khi tính tới câu chuyện tham gia những “sân chơi” lớn, thu hút nguồn vốn chất lượng, nhất là nguồn vốn xanh, trái phiếu xanh hay các khoản vay xanh, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết cần thực hiện báo cáo phát triển bền vững phù hợp, để có thể đáp ứng yêu cầu tuân thủ về việc công bố thông tin cho các cơ quan quản lý thị trường và nhà đầu tư.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2024 được tổ chức mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT khẳng định, phát triển xanh, bền vững có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Bình lấy luôn FPT ra làm ví dụ: “FPT muốn ký hợp đồng, hợp tác với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, đặc biệt là các hợp đồng có quy mô chục triệu, trăm triệu USD thì phải có chuyển đổi xanh. Nếu không xanh thì đối tác không ký”.
Hành động cho một tầm nhìn dài hạn
Theo đại diện của Vinamilk, ESG không còn là lựa chọn, mà trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Trao đổi với các cổ đông, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cũng cho biết, ngày càng nhiều thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ đang áp dụng các quy chuẩn sản xuất bền vững, sản xuất xanh với hàng hóa. Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập các thị trường lớn, tham gia, dẫn dắt chuỗi cung ứng thì phải phát triển xanh, phát triển bền vững. Việc chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời áp mái ở các nhà máy của May Sông Hồng là một trong những giải pháp Công ty tích cực triển khai thời gian qua.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức triển khai ESG một cách quy củ. Theo báo cáo của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 - 2023, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2 - 4 năm tới.
Với các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, báo cáo phát triển bền vững dựa trên dữ liệu và các câu chuyện từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp đã trở thành công cụ quan trọng để doanh nghiệp “có chung ngôn ngữ” với các đối tác toàn cầu.