Doanh nghiệp niêm yết tăng tốc phát hành thêm
Chào bán chứng khoán để gia tăng vốn chủ, có dòng tiền phục vụ hoạt động thâu tóm doanh nghiệp, dự án là phương thức được nhiều doanh nghiệp niêm yết sử dụng.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Viconship (mã VSC) cho biết đang rốt ráo hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc phát hành 133,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, theo đúng phê duyệt của đại hội cổ đông thường niên 2023. Nếu lộ trình này được đảm bảo, sẽ có những điều chỉnh trong cơ cấu vốn của Viconship và có thể kéo theo những điều chỉnh về chi phí vốn theo hướng tích cực hơn với doanh nghiệp.
Hiện dư nợ vay của Viconship là 1.573,3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền vay Ngân hàng Bảo Việt nhằm thực hiện việc thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ.
Theo phương án chào bán, tổng số tiền huy động được là 1.334 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng 1.320 tỷ đồng nhận chuyển nhượng thêm tối đa 44% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ từ các thành viên góp vốn hiện hữu; còn lại 12,96 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn điều lệ.
Việc sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ giúp VSC trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng trong năm 2023, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU, tăng 36% so với năm 2022 và chiếm 30% thị phần khu vực. Tính tới 30/6/2023, VSC đang sở hữu 35% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ và ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết, giá trị đầu tư là 1.050 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải – Tracodi (mã TCD) cũng có kế hoạch chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cho cổ đông hiện hữu để có tiền M&A một mỏ vật liệu mới. Doanh nghiệp hiện sở hữu 50% mỏ đá Antraco tại An Giang. Đây là mỏ đá duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng các tiêu chuẩn về đá gốc và sản xuất để xây dựng đường cao tốc. Mỏ đá Antraco có tổng trữ lượng lên đến 26,8 triệu m3, công suất khai thác là 2,2 triệu m3/năm.
Theo lãnh đạo Tracodi, hai bên đã hoàn tất thương thảo, khảo sát mỏ vật liệu mới. Sở dĩ doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào mảng vật liệu xây dựng là bởi khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 13 dự án giao thông, với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng được triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. 12 dự án đường bộ khác với tổng mức hơn 100.000 tỷ đồng cũng đang được chuẩn bị triển khai. Mục tiêu là đến năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng lên khoảng 550 km; giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục hoàn thành khoảng 637 km với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khai thác vật liệu và có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, hạ tầng như Tracodi.
Hiện Tracodi đang nghiên cứu triển khai đầu tư các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2024 - 2027, với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, gồm dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam tỉnh Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 3.939 tỷ đồng; dự án đường trục động lực Đức Hòa, tỉnh Long An với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng; dự án xây dựng Cảng thủy nội địa và khu dịch vụ hậu cần cảng, tỉnh Sóc Trăng 500 tỷ đồng. Với các dự án quy mô lớn sẽ triển khai trong 5 năm tới, Tracodi phải nhanh chóng chuẩn bị nguồn nhân sự, vốn và giải pháp kỹ thuật.
Một doanh nghiệp khác cũng sử dụng phương thức chào bán qua thị trường chứng khoán để thực hiện M&A là Công ty cổ phần Tasco (mã HUT). Tháng 9/2023, Tasco đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần SVC Holdings vào Tasco.
Sau hoán đổi, vốn điều lệ của Tasco đạt hơn 8.900 tỷ đồng, có quy mô doanh thu hợp nhất tương ứng 26.847 tỷ đồng, hợp cộng hơn 38.000 tỷ đồng. Tasco trở thành hệ thống phân phối và dịch vụ ô tô lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 13,5% thị phần, phân phối 13 thương hiệu xe lớn qua hệ thống 83 showroom và sẽ phát triển lên 120 showroom vào năm 2026.
Sau cú sốc trái phiếu (thị trường đổ vỡ) và tín dụng ngân hàng (lãi suất tăng cao, khó tiếp cận vốn vay) năm 2022, nhiều doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn đến nền tảng vốn và chủ trương gia tăng vốn chủ sở hữu để giảm đòn bẩy tài chính và cân bằng cơ cấu vốn chủ - tài sản. Chào bán chứng khoán được nhận định là giải pháp không ít doanh nghiệp lựa chọn để tăng vốn chủ trong thời gian tới.
Theo bà Lê Hải Yến, Giám đốc Khối dịch vụ Ngân hàng đầu tư Công ty Chứng khoán Bảo Việt, khi phát hành chứng khoán (cổ phiếu/trái phiếu), doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng các công việc sau:
Thứ nhất, xác định mục đích phát hành, kế hoạch sử dụng tiền thu được một cách cẩn trọng, sát với kế hoạch/chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư dự án/tài sản, cân đối nguồn vốn, kế hoạch dòng tiền thực tế của doanh nghiệp. Nếu huy động vốn cho dự án, doanh nghiệp cần đảm bảo dự án có tính khả thi, giấy tờ pháp lý rõ ràng, đầy đủ. Công việc này rất quan trọng để đảm bảo xác định nhu cầu vốn sát với thực tế hoạt động, tăng hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo công tác kiểm soát sử dụng vốn sau phát hành đúng với mục đích đã công bố. Ngoài ra, cũng hỗ trợ các cơ quan chức năng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thẩm định hồ sơ trước khi cấp phép và giám sát việc sử dụng vốn sau phát hành.
Thứ hai, nghiên cứu kỹ các quy định, điều kiện phát hành chứng khoán, sau đó áp dụng và rà soát thực tế doanh nghiệp có đáp ứng được các điều kiện phát hành hay không. Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức phát hành chứng khoán để huy động vốn phù hợp với thực tế hoạt động và vẫn đáp ứng tuân thủ quy định pháp luật.
Thứ ba, cần đạt được sự đồng thuận của các cổ đông để đảm bảo phương án phát hành chứng khoán được đại hội cổ đông thông qua thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các cổ đông công ty.
Doanh nghiệp cũng cần chú ý lựa chọn các đối tác liên quan có uy tín, bao gồm đơn vị tư vấn (công ty chứng khoán), đơn vị kiểm toán, đơn vị thẩm định giá, đơn vị tư vấn luật... để đảm bảo trong suốt quá trình từ lúc xây dựng phương án, lập hồ sơ chào bán, xin phép cơ quan chức năng, thực hiện phân phối và sử dụng vốn sau phát hành được hiệu quả, thành công, đem lại lợi ích cao nhất cho công ty và các cổ đông.