Doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh
Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, với những giải pháp chủ động trong nhập và dự trữ nguyên liệu, tiếp cận đơn hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng cho đến hết quý 2-2021.
Nông dân vùng mía nguyên liệu Lam Sơn xuống giống cho niên vụ sản xuất 2020-2021. Ảnh: Minh Hằng
Bước vào năm 2021, thử thách lớn tiếp tục đến với các DN trong tỉnh khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau 1 năm kinh nghiệm “vượt bão”, nhiều DN đã trang bị cho mình những giải pháp thích ứng khá linh hoạt, với nhiều phương án cơ cấu sản xuất hợp lý. Do vậy, những tháng đầu năm 2021, phần lớn DN đã ổn định được tình hình sản xuất. Với nhiều mục tiêu tăng trưởng đã được xây dựng, các giải pháp vượt khó cũng đã được định hình nhằm hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đặt ra.
Sáng mùng 6 Tết Nguyên đán (tức ngày 17-2), hầu hết các nhà máy may mặc, giầy da trong tỉnh đều trở lại sản xuất. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, với những giải pháp chủ động trong nhập và dự trữ nguyên liệu, tiếp cận đơn hàng, nhiều DN đã có đơn hàng cho đến hết quý 2-2021. Trong đó, đơn hàng đến từ các nước châu Á tăng lên khá nhiều, bù đắp thiếu hụt từ các đơn hàng bị cắt giảm từ Mỹ. Tại Tổng Công ty Tiên Sơn, đơn vị xây dựng kế hoạch doanh thu năm 2021 của 10 nhà máy trong hệ thống đạt 1.400 tỷ đồng. Hiện các đơn vị thành viên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận các thị trường mới để gia tăng đơn hàng và cơ cấu mặt hàng sản xuất trong năm nay.
Thông tin từ Sở Công Thương, hiện nhiều DN may mặc đã chủ động điều tiết được tình hình sản xuất. Do đó, giáp Tết Nguyên đán và những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ, các DN đều tập trung sản xuất cao độ để kịp giao hàng cho đối tác. Chị Trần Thị Liễu, công nhân xưởng cắt, Công ty IVORY Hậu Lộc vui vẻ chia sẻ: Mặc dù năm 2020, một số công ty may mặc phải giảm nhân công, giờ làm để chia sẻ khó khăn với DN, nhưng công ty chúng tôi vẫn ổn định việc làm quanh năm cho người lao động với mức lương bao gồm cả tăng ca là hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Những ngày đầu năm mới, do đơn hàng nhiều nên chúng tôi được huy động đi làm trở lại khá sớm. Tuy nhiên trong bối cảnh này, được duy trì công việc với thu nhập ổn định đã là một điều khá may mắn và phấn khởi đối với chúng tôi.
Được biết, ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do tính chất đặc thù, nhiều DN trong tỉnh vẫn duy trì hoạt động bình thường, như: Công ty CP Sữa Vinamilk, các DN sản xuất xi măng, các công ty thủy điện.
Tại Công ty CP Vicem Bỉm Sơn, năm 2021, đơn vị đặt mục tiêu tổng sản phẩm tiêu thụ đạt từ 5,35 triệu tấn trở lên, lợi nhuận trước thuế 107 tỷ đồng. Đại diện đơn vị này cho biết, dự báo trong năm 2021, nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục duy trì ở mức rất cao, dẫn tới cạnh tranh tại thị trường xi măng trong nước ngày càng khốc liệt. Hơn nữa, chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước của một số quốc gia vẫn không thay đổi, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xuất khẩu xi măng. Đồng thời với đó, xu hướng chuyển dịch từ xi măng bao sang xi măng rời ngày càng mạnh mẽ, làm giảm lợi thế về giá trị thương hiệu. Trước tình hình đó, đơn vị đang triển khai quyết liệt các biện pháp để tăng chất lượng clinker và giảm tiêu hao than, điện, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường xi măng rời cho các công trình, trạm trộn trên các địa bàn. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng trong tiêu thụ, thực hiện đặt hàng và xuất hàng tự động nhằm nâng cao hiệu quả phân phối và chuẩn hóa số liệu bán hàng. Công ty cũng sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ, Nam Phi, các nước châu Âu để tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA, đồng thời phối hợp trong điều hành, cam kết hỗ trợ giữa các đơn vị thành viên trong Tổng Công ty CP Xi măng Việt Nam để tăng hiệu quả xuất khẩu.
Với các nhà máy sản xuất mía đường, trước Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị cũng đã thu hoạch được khoảng 2/3 sản lượng cho vụ ép 2020-2021. Tại Công ty Mía đường Lam Sơn, công ty đã thu mua được 220.000/400.000 tấn mía nguyên liệu. Anh Phạm Văn Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên liệu Lam Sơn, cho biết: Năm nay, thu hoạch đến đâu, công ty đối chiếu, thanh toán công nợ nhanh gọn đến đó, chậm nhất trong vòng 10 ngày sau thu hoạch nên bà con rất phấn khởi và yên tâm xuống giống cho vụ mới. Hiện diện tích xuống giống và chăm sóc mía lưu gốc đạt khoảng 3.700/8.000 ha kế hoạch. Trong ngày mùng 6 Tết Nguyên đán (tức ngày 17-2), công ty cũng đồng loạt xuống đồng chặt mía và khởi động tất cả các dây chuyền sản xuất. Năm 2021, đơn vị phấn đấu sản xuất khoảng 8 triệu hộp nước dinh dưỡng tế bào mía, hơn 100.000 tấn đường các loại, 15 triệu hộp sữa gạo lứt. Để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu và hiệu quả sản xuất, công ty đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai, mở rộng các mô hình thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cải tạo, đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất.
Theo thống kê của Sở Công Thương, trong ngày mùng 6 tết, hầu hết các DN trong tỉnh đồng loạt bước vào sản xuất. Hy vọng, bằng quyết tâm, nỗ lực của các DN cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính... sẽ là động lực quan trọng để các DN phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, tiếp tục đóng góp vào ngân sách và thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.