Doanh nghiệp nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu
VCIC là trung tâm hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu. Với vai trò ươm mầm, thúc đẩy và chuyển hóa thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội kinh doanh, VCIC đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ phát triển.
Chia sẻ với PLVN, ông Phạm Đức Nghiệm – Giám đốc Ban Quản lý Dự án VCIC cho biết: Đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động nặng nề tại Việt Nam, VCIC luôn không ngừng cố gắng để tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ tiên tiến, tạo giá trị xanh bền vững giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
VCIC được thành lập từ năm 2015 dưới sự đề xuất của Ngân hàng Thế giới với Bộ Khoa học và Công nghệ và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Dự án trong giai đoạn 2015-2020. Tính đến thời điểm hiện tại, VCIC đã hỗ trợ cho 48 DN cả về kỹ thuật và tài chính và hơn 1.000 DN nhận sự hỗ trợ phi tài chính. Trong năm 2020 Dự án đang dần hoàn tất các thủ tục để chuyển đổi sang mô hình Trung tâm trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong giai đoạn 05 năm hình thành và phát triển, thông qua VCIC, 948 công nghệ xanh được hỗ trợ, 42.766 tấn CO2 được cắt giảm, 104.810MwH năng lượng sạch được tạo ra, 175.047 hộ gia đình được tiếp cận và hưởng lợi, 20 dự án năng lượng mặt trời ở Việt Nam được hỗ trợ, 108 quỹ đầu tư được kết nối, 687 tập đoàn công nghệ được hỗ trợ…
VCIC đã và đang là cầu nối giữa Việt Nam với các quốc gia tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ xanh, xử lý rác thải, quản lý nước và lọc nước, nông nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo tại các quốc gia như: Phần Lan, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Australia, Đan Mạch… Trong các năm tiếp theo, VCIC hứa hẹn sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động và mở rộng phạm vi trên nhiều quốc gia.
Theo ông Nghiệm, khó khăn đầu tiên khi DN gặp phải chính là tính đặc thù của hàng hóa công nghệ trên thị trường. Hàng hóa công nghệ thường bao gồm hai phần là hữu hình và vô hình (bí quyết, phương pháp, quy trình) thường biểu hiện dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích và không có giá định sẵn.Vì vậy, để tiếp cận, hiểu được nó, định giá và đàm phán mua bán thường DN rất khó khăn.
Khó khăn thứ hai DN thường gặp phải là cơ hội tiếp cận thông tin. Thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam bước đầu và sơ khai, vì vậy chúng ta dần hình thành các kênh kết nối đề làm sao giúp hoạt động nghiên cứu của viện nghiên cứu, trường đại học gắn bó với sản xuất DN hơn. Một số lĩnh vực khoa học ứng dụng thì khuyến khích DN đổi mới công nghệ, nhập khẩu công nghệ ở các nước có trình độ cao như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc…
Khó khăn thứ ba chính là nguồn lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của chính DN. Muốn có được điều này thì ngoài nguồn lực của DN, Nhà nước phải hỗ trợ thông qua các chương trình đào tạo kiểm duyệt và kết nối quỹ như VCIC Connect do VCIC tổ chức.
Giới chuyên gia nhận định, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các DN Việt. Nếu DN nào biết tận dụng cơ hội, mạnh dạn đầu tư công nghệ để phục vụ sản xuất, DN đó sẽ trụ vững. Ngược lại, DN nào e dè, ngại đầu tư hoặc thờ ơ, không chấp nhận thực tế rằng, làn sóng chuyển đổi số đang tác động trực tiếp đến mình, DN đó sẽ bị đào thải.
Trước thực tế này, trong các năm vừa qua VCIC đang nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ các DN khởi nghiệp đặc biệt các DN đang hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có 48 dự án nhận được vốn tài trợ từ Cuộc thi Chứng minh ý tưởng ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam và hơn 1.000 DN được VCIC hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kêu gọi vốn, kết nối đầu tư…
Ông Nghiệm cho biết, trong các năm tiếp theo VCIC sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các DN Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng. VCIC cùng với Ngân hàng Thế giới đã thiết kế ra các chương trình đào tạo ươm mầm khởi nghiệp qua các chương trình Poc.
Đồng thời, VCIC đóng vai trò hướng dẫn các DN tái cấu trúc lại DN, xây dựng và chuẩn hóa mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ trong quá trình vận hành DN từ quản trị nhân lực đến quản lý tài chính, định vị thị trường, chiến lược marketing truyền thông, đặc biệt là kết nối thị trường và kết nối nguồn lực, kêu gọi vốn đầu tư.