Doanh nghiệp nội địa chưa được đối xử công bằng

GS.TSKH Nguyễn Mại chỉ rõ sự bất hợp lý trong ưu đãi đầu tư: 'Chúng ta đang dành quá nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp nội địa, lực lượng tạo ra công ăn việc làm cho hơn 80% lao động cả nước lại chưa được đối xử công bằng'.

Phát biểu tại Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, tại Hà Nội, sáng 25/4, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận, ưu tiên sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong nước.

“Người Việt Nam hiện có mức thu nhập trung bình khá, hoàn toàn có khả năng chi trả cho những sản phẩm tốt. Vấn đề là chúng ta chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước làm điều đó,” ông Mại nêu rõ.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch danh dự Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch danh dự Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Thực tế, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp vẫn đang gặp khó trong tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường. Trong khi đó, hệ sinh thái tiêu dùng nội địa còn thiếu liên kết, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Mại, dù tiềm năng lớn, nhưng thị trường trong nước vẫn chưa thực sự trở thành động lực tăng trưởng bởi những rào cản tồn tại trong chính sách và pháp luật.

GS.TSKH Nguyễn Mại chỉ rõ sự bất hợp lý trong ưu đãi đầu tư: “Chúng ta đang dành quá nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp nội địa, lực lượng tạo ra công ăn việc làm cho hơn 80% lao động cả nước lại chưa được đối xử công bằng. Cần sửa ngay các đạo luật như Luật Thương mại 2005, điều chỉnh các sắc thuế để tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp nội".

Tại tọa đàm, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2025 - 2026.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước - phát biểu tại tọa đàm.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước - phát biểu tại tọa đàm.

Theo ông Tuấn, trọng tâm đầu tiên là kích cầu tiêu dùng nội địa. Bộ Công Thương đề xuất các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao, kiến nghị miễn, giảm thuế cho các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, bền vững. Các chương trình khuyến công, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cũng sẽ được tăng tốc để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong kế hoạch này, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, thông qua xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về cung - cầu và nâng cấp hạ tầng logistics; sẽ thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống phân phối - từ chợ truyền thống đến các mô hình bán lẻ hiện đại, giúp doanh nghiệp nội địa dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Một điểm nhấn trong kế hoạch là thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn chuỗi tiêu dùng nội địa. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển bán lẻ thông minh ứng dụng công nghệ số, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí ESG về môi trường, xã hội và quản trị để hướng doanh nghiệp đến sản xuất xanh và hội nhập bền vững.

Lâm Thùy Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doanh-nghiep-noi-dia-chua-duoc-doi-xu-cong-bang-post1737000.tpo