Khát vọng của doanh nhân Hưng Yên trên thành phố mang tên Bác

Tại Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước, những người con quê Hưng Yên luôn hăng say lao động, sản xuất, học tập, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, nhiều người trở thành những doanh nhân thành đạt, tạo dựng nên những thương hiệu lớn mạnh, đóng góp vào thành tựu chung của thành phố, góp phần tô thêm truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Hưng Yên văn hiến và cách mạng.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Doanh nhân Hưng Yên tại Thành phố Hồ Chí Minh

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Doanh nhân Hưng Yên tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 30/4/1975, người lính Nguyễn Chí Trung (quê huyện Yên Mỹ), lúc đó tròn 19 tuổi có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, hát khúc ca khải hoàn của ngày non sông thống nhất. Lúc ấy, ông không hề nghĩ bản thân sau này sẽ gắn bó và phát triển sự nghiệp tại thành phố mang tên Bác - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Năm 1991, sau khi trải qua 2 năm được giao phụ trách một doanh nghiệp liên doanh của Việt Nam và 2 năm làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước cùng trong lĩnh vực sản xuất giày dép, ông quyết định chuyển ra ngoài để thành lập Công ty giày Gia Ðịnh.

Lúc đầu, công ty chuyên sản xuất và gia công giày dép xuất khẩu, dần dần mở rộng sang sản xuất nguyên liệu ngành da giày để chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất và đáp ứng một phần cho các doanh nghiệp trong nước. Nhờ nhạy bén trong kinh doanh, thời cuộc, ông Nguyễn Chí Trung đã chèo lái doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh, từng bước phát triển sang các lĩnh vực khác. Năm 2011, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Ðịnh. Ðến nay, công ty của doanh nhân quê nhãn Nguyễn Chí Trung đã trở thành một doanh nghiệp lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động đa ngành nghề: Sản xuất, xuất khẩu giày dép, nguyên phụ liệu ngành giày; năng lượng tái tạo; bất động sản công nghiệp và tòa nhà văn phòng; dịch vụ logistics; nông nghiệp; đầu tư tài chính thương mại dịch vụ…hoạt động trải dài tại nhiều địa phương trên cả nước. Mỗi năm, doanh thu của công ty lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 8.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Doanh nhân Nguyễn Chí Trung bày tỏ: Tôi tự hào là người quê Hưng Yên đã tạo dựng được một thương hiệu lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước.

Doanh nhân An Sơn Lâm, sinh năm 1963 (quê huyện Tiên Lữ), năm 1996 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí chế tạo máy tại Cộng hòa dân chủ Ðức, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội việc làm, nhưng lại bất ngờ rẽ sang làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Ðức. Sau gần 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch, tích lũy kiến thức, vốn liếng, năm 2005, ông quyết định thành lập Công ty TNHH thuyền buồm Ðông Dương, kinh doanh tàu du lịch, gồm các dịch vụ ăn uống, ngắm cảnh trên sông Sài Gòn khu vực trung tâm thành phố. Từ lúc ban đầu chỉ có một tàu có sức chứa 50 chỗ ngồi, dần dần công ty đã phát triển tới 10 tàu du lịch lớn, nhỏ, trở thành doanh nghiệp có số lượng tàu du lịch lớn nhất hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố. Ðến năm 2015, khi Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp lại dịch vụ tàu du lịch khu vực trung tâm theo mô hình dịch vụ cao cấp, chất lượng cao, trong 5 du thuyền tiêu chuẩn cao cấp của 4 doanh nghiệp đang khai thác thì có 2 chiếc là của Công ty TNHH thuyền buồm Ðông Dương, mang tên Hòn Ngọc Viễn Ðông và Nữ hoàng Ðông Dương.

Doanh nhân An Sơn Lâm chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, 2 tàu du lịch này đón tiếp, phục vụ các nhu cầu ăn uống, thưởng ngoạn sông Sài Gòn cho trên 20 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, du khách trong nước. Dự kiến, trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, công ty sẽ tiếp tục khai trương một du thuyền mới mang tên Ngôi sao Ðông Dương. Với nhiều đóng góp cho ngành du lịch thành phố, công ty đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Là thế hệ trẻ sinh sau ngày đất nước thống nhất, doanh nhân Ðào Văn Huân, sinh năm 1987 (quê huyện Kim Ðộng) chọn hướng khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng chuyên môn đã được học trên giảng đường đại học. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật công trình xây dựng thuộc trường Ðại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Ðào Văn Huân đi làm cho các doanh nghiệp để có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Năm 2016, anh quyết định thành lập Công ty CP xây dựng Bách Khoa Sài Gòn (BKScons) hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, chung cư, nhà ở xã hội, biệt thự, nhà phố. Trong gần 10 năm hoạt động, nhờ nền tảng kiến thức vững chắc, sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, Công ty BKScons của doanh nhân trẻ Ðào Văn Huân ngày càng lớn mạnh, doanh thu giai đoạn 2021 - 2024 trung bình đạt 940 tỷ đồng/năm; đặc biệt, doanh nghiệp trẻ này còn tự tin có thể cạnh tranh với những tên tuổi hàng đầu trong ngành xây dựng…

Cùng với 3 doanh nhân trên, tại thành phố mang tên Bác còn có nhiều doanh nhân quê Hưng Yên đang căng tràn nhiệt huyết, khí thế, tự tin, bản lĩnh tạo dựng sự nghiệp ngày càng lớn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hưng Yên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Hưng Yên tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, Câu lạc bộ Doanh nhân Hưng Yên tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của khoảng 200 doanh nhân, với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, những doanh nhân quê Hưng Yên còn có những chia sẻ, hỗ trợ kịp thời với những người cùng quê hương khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Chỉ tính riêng trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19, Hội đồng hương Hưng Yên và Câu lạc bộ doanh nhân Hưng Yên đã thống kê, lên danh sách 300 người gặp khó khăn để hỗ trợ với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng và các nhu yếu phẩm khác. Các doanh nhân quê Hưng Yên còn luôn tạo cơ hội việc làm cho những lao động cùng quê, với tỉ lệ 10 -15% số lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Ðịnh cho biết: Trong quá trình tuyển dụng, tôi luôn ưu tiên, tạo cơ hội cho những người con quê hương tại tất cả các vị trí quản lý, kỹ sư, công nhân. Hiện tại, công ty đang có gần 1.000 lao động là người Hưng Yên với mức thu nhập khá, ổn định. Không chỉ vậy, trong thời gian qua, những doanh nhân Hưng Yên tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn hướng về quê hương bằng nhiều hành động thiết thực, trân quý như: Trao học bổng, xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2024, theo thống kê chưa đầy đủ, các doanh nhân đã tổ chức các chuyến về quê trao tặng quà với số tiền gần 500 triệu đồng; giúp đỡ đồng hương Hưng Yên tại Yên Bái và Lào Cai bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với tổng số tiền 360 triệu đồng.

Trong hành trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ doanh nhân cũng như hàng chục nghìn người quê Hưng Yên sẽ tiếp tục không ngừng lao động, sản xuất, học tập và cống hiến; tiếp tục khẳng định truyền thống quê hương Hưng Yên văn hiến và cách mạng.

Nguyễn Quỳnh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khat-vong-cua-doanh-nhan-hung-yen-tren-thanh-pho-mang-ten-bac-3180824.html